Đối thoại để giải quyết khủng hoảng Ukraine

.

Đến Nga và Ukraine để tháo gỡ khủng hoảng đang gia tăng giữa Moscow và phương Tây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, chỉ có đối thoại mới bảo đảm an ninh và ổn định ở lục địa châu Âu.

Mỹ điều động binh sĩ đến Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng liên quan Ukraine. Trong ảnh: Binh sĩ Mỹ tại sân bay Rzeszow-Jasionka ở đông nam Ba Lan ngày 6-2. Ảnh: AP
Mỹ điều động binh sĩ đến Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng liên quan Ukraine. TRONG ẢNH: Binh sĩ Mỹ tại sân bay Rzeszow-Jasionka ở đông nam Ba Lan ngày 6-2. Ảnh: AP

Ngày 8-2, Tổng thống Pháp EmmanuelMacron đến thủ đô Kiev của Ukraine sau chặng dừng chân ở Moscow và đề xuất Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng xây dựng những bảo đảm an ninh cụ thể đối với tất cả các bên có liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.

Pháp - Ukraine gặp thượng đỉnh

Hãng thông tấn AFP cho biết, ông Macron tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao ở Kiev với cuộc gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong lúc Nga triển khai hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine và Mỹ tăng cường lực lượng ở sườn đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo phương Tây tham gia những hoạt động ngoại giao cấp cao với hy vọng giảm căng thẳng và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine. Đến Moscow ngày 7-2, Tổng thống Macron nói: “Đối thoại hiện nay là phù hợp hơn bao giờ hết. Chỉ có đối thoại mới bảo đảm an ninh và ổn định ở lục địa châu Âu”. Ông và người đồng cấp Nga đều bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Theo AFP, trong cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Nga kéo dài 5 giờ, Tổng thống Putin nói rằng, Moscow sẽ “làm mọi việc để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với tất cả mọi người” và ca ngợi triển vọng về con đường giảm căng thẳng. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, một số đề xuất của Tổng thống Pháp có thể tạo nền tảng để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan Ukraine. Nga cũng đã đồng ý rút quân đội khỏi các cuộc tập trận đang diễn ra tại Belarus.

Điện Élysée tiết lộ, các đề xuất của Tổng thống Macron bao gồm: cam kết của hai bên không triển khai thêm bất kỳ sáng kiến quân sự mới nào có thể làm gia tăng căng thẳng; bắt đầu đối thoại về Ukraine. “Không có an ninh cho châu Âu nếu không bảo đảm an ninh cho Nga”, ông Macron nói.

Hai hướng tiếp cận của Pháp

Các nhà chức trách Pháp cho rằng, với sứ mệnh ngoại giao ở Moscow và Kiev, Tổng thống Macron áp dụng 2 hướng tiếp cận: Thứ nhất là đàm phán theo định dạng Normandy (với sự tham gia của 4 nước gồm Pháp, Đức, Ukraine và Nga) nhằm thúc đẩy thỏa thuận Minsk năm 2015; thứ hai là tham vấn chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Về phía Nga, AFP cho hay, Tổng thống Putin kiên quyết bác bỏ việc Moscow có “hành động gây hấn” với Ukraine hay phương Tây. Song, ông Putin tuyên bố nếu Ukraine gia nhập NATO thì Nga có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột với các nước châu Âu. Theo quy định của NATO, cuộc tấn công vào một nước thành viên được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.

Ukraine - quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ - muốn xích lại gần phương Tây hơn nữa và trở thành thành viên NATO. Giữa Nga và Ukraine rơi vào thế giằng co kể từ năm 2014 sau khi Tổng thống Ukraine thân Điện Kremlin bị lật đổ và sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Xung đột ở khu vực đông Ukraine giữa lực lượng ly khai với chính phủ Kiev cũng đã làm hơn 14.000 người chết.

Nga lo ngại Ukraine và cả Georgia gia nhập NATO nên muốn ngăn chặn điều này xảy ra. Các nước NATO từng ký tuyên bố không kết nạp Ukraine và Georgia vào chương trình “Kế hoạch Hành động Thành viên” (MSP) - điều kiện để trở thành thành viên chính thức, nhưng không có nghĩa là cánh cửa liên minh quân sự vĩnh viễn khép lại với 2 nước này.

Trước mối lo ngại của Nga, Tổng thống Macron nói rằng, Pháp sẽ nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định quân sự trong ngắn hạn và nối lại đối thoại giữa Nga, Mỹ, châu Âu để xây dựng các giải pháp vì an ninh của tất cả các bên. Theo Reuters, ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - nhận định vẫn có thể có một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan Nga và Ukraine. Và kết quả như thế nào thì vẫn phải chờ cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Ukraine ngày 8-2 cũng như chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Kiev và Moscow trong những ngày tới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.