Phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, Liên minh châu Âu (EU) giờ đây phải tìm giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng của khối trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá dầu tăng vọt và hiện ở mức trên 100 USD/thùng.
Các đường ống dẫn khí đốt tại cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất Kasimovskoye do Tập đoàn Gazprom của Nga vận hành. Ảnh: CNN |
Theo AP, cuối tuần qua, lãnh đạo các nước Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp kêu gọi EU xây dựng chiến lược năng lượng chung để bảo đảm an ninh năng lượng của khối. Vấn đề an ninh năng lượng dự kiến được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong tuần này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vừa đến Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tìm giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga. Trước đó, ông Habeck đến Na Uy (quốc gia xuất khẩu khí đốt quan trọng) và Mỹ (nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng - LNG).
Hãng tin AP cho biết, Đức hiện nhập khẩu 55% lượng khí đốt tự nhiên của Nga. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2, Đức tuyên bố sẽ chấm dứt nhập dầu của Moscow trong năm nay. Vì vậy, Berlin phải tìm nguồn cung thay thế, Trong khi đó, Ý nhập khẩu khoảng 30 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm, chiếm khoảng 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu, nên việc tìm đối tác khác có thể bảo đảm cung ứng là điều không dễ. Phát biểu tại Thượng viện Ý, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Roberto Cingolani nói rằng, sẽ cần ít nhất 3 năm để thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga bằng các nguồn năng lượng khác.
EU là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, với tỷ trọng khí đốt lớn nhất đến từ Nga (41%), Na Uy (24%) và Algeria (11%). Trong nguồn khí đốt đến từ các nhà cung cấp nước ngoài, khí đốt của Nga có mức giá rẻ nhất. Theo công ty dữ liệu kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy có trụ sở ở Oslo (Na Uy), năm 2021, Tây Âu nhập khẩu 75 tỷ m3 khí đốt từ Nga, chiếm 25% tổng nhu cầu của nước này; còn ở Đông Âu, khí đốt của Nga chiếm 57% tổng nhu cầu năng lượng.
Mặc dù EU tập trung xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo nhưng quá trình này diễn ra không đủ nhanh. Lâu nay, châu Âu chỉ đưa ra nhiều tuyên bố về đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhưng không có sự chuẩn bị và bước dịch chuyển đáng kể nào. Đến khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, EU mới thực sự giật mình nhận ra cần phải giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Moscow. Hơn nữa, ngay cả khi châu Âu được bảo đảm nguồn cung mới thì tiến trình phân phối cũng không đơn giản.
Đa phần các cơ sở lưu trữ chuyên thực hiện chuyển đổi LNG dạng lỏng sang dạng khí đều tập trung ở bờ biển phía Tây, tại Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Trong khi đó, hệ thống đường ống kết nối từ nơi đây đến Đức và sườn đông châu Âu chưa được hoàn thiện. Đức dù là đầu tàu kinh tế của châu Âu nhưng chưa có trung tâm lưu trữ LNG hoàn chỉnh. Chính phủ Berlin mới đây đã thông qua kế hoạch xây dựng 2 trung tâm như thế, nhưng phải mất ít nhất 3 năm nữa mới hoàn tất.
Cũng theo kênh truyền hình DW, các nước có thể trông cậy vào Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - và cả UAE. Tuy nhiên, hãng thông tấn TASS dẫn lời người đứng đầu công ty dầu khí Áo OMV, ông Alfred Stern, cho rằng các nước châu Âu không thể nhanh chóng tìm được một nhà cung cấp khí đốt khác thay thế Nga. “Chúng tôi đang trong tình thế khó khăn. 80% nguồn cung khí đốt của Áo đến từ Nga. Chúng tôi đã hưởng lợi từ điều này gần 50 năm qua bởi đây là nguồn khí đốt rẻ nhất. Chúng tôi đã đánh giá thấp rủi ro liên quan đến Nga”, ông Stern nói.
Kế hoạch được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi đầu tháng 3 này đề cập các phương án như tăng cường hiệu quả năng lượng và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Theo các nhà phân tích, dù châu Âu nỗ lực tìm nguồn cung thay thế Nga, nhưng các giải pháp sẽ không thể đạt được một sớm một chiều.
VĨNH AN