Bốn nguồn thạo tin cho hay Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu trong kho của Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Một cơ sở lọc dầu ở Illinois, Mỹ. Ảnh: EPA-EFE |
Nếu được triển khai, đây sẽ là lần thứ ba nước Mỹ sử dụng nguồn dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng qua và sẽ là lần xả kho lớn nhất trong lịch sử 50 năm của SPR.
Cho đến nay, các lần giải phóng kho dầu đã không thể giảm giá nhiên liệu tại Mỹ, do cầu tiêu thụ trên thế giới đã trở về xấp xỉ mức trước đại dịch Covid-19, trong khi nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Hãng Reuters dẫn lời các nhân vật thạo tin cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố những kết luận về kế hoạch hành động của Chính phủ Mỹ trong nỗ lực giảm giá nhiên liệu và lạm phát ở quốc gia này.
Giá dầu đã tăng mạnh kể từ khi xảy ra xung đột giữa các lực lượng Nga và Ukraine hồi tháng 2. Mỹ và các đồng minh đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệp nhằm vào nền kinh tế Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trên toàn thế giới. Giá dầu thô Brent đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, khoảng 139 USD/thùng vào đầu tháng này và gần 110 USD/thùng trong phiên giao dịch tại châu Á hôm 31-3.
Nga xuất khẩu khoảng 4 đến 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, đóng góp 10% cho thị trường toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các lệnh trừng phạt cũng như sự dè dặt của các nhà nhập khẩu có thể khiến thị trường bị hụt 3 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày kể từ tháng 4.
Thông tin này được đưa ra ngay trước giờ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong đó có Saudi Arabia và Nga, nhóm họp để thảo luận về việc cắt giảm hạn chế nguồn cung. Trước tình hình biến động của thị trường năng lượng thế giới, Mỹ, Anh và một số quốc gia khác đã lên tiếng thúc giục OPEC+ nhanh chóng tăng sản lượng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp tổ chức ngày 31-3, OPEC+ dự định không thay đổi kế hoạch sản xuất và sẽ tiếp tục tăng dần sản lượng.
SPR hiện nắm giữ 568,3 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2002, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Mỹ được IEA coi là nước xuất khẩu dầu ròng. Nhưng tình trạng đó có thể thay đổi thành nhà nhập khẩu ròng trong năm nay do sản lượng phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19.
Nhà Trắng hiện không đưa ra bình luận về kế hoạch xả kho trên. Nhanh chóng phản ứng với tin xả kho, giá dầu thô theo kỳ hạn của Mỹ đã giảm 4,70USD, xuống còn 103,12USD-thùng và dầu Brent giảm 4,45USD, tương đương 3,9%, xuống còn 109USD-thùng
Hồi đầu tháng 3, các nước thành viên IEA đã đồng ý giải phóng hơn 60 triệu thùng dầu dự trữ, trong đó 30 triệu thùng của Mỹ.
Theo Báo Tin tức