Tổng thống Ukraine kêu gọi đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga để chấm dứt xung đột

.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tiếp tục khẳng định nước này sẵn sàng thảo luận “tất cả các vấn đề” nếu người đồng cấp Nga Vladimir Putin đồng ý đàm phán trực tiếp để chấm dứt xung đột đang leo thang hiện nay trong bối cảnh các cuộc hòa đàm giữa hai bên đến nay vẫn chưa đạt tiến bộ đáng kể nào.

Quang cảnh đổ nát tại thành phố Mariupol. Ảnh: Reuters.
Quang cảnh đổ nát tại thành phố Mariupol. Ảnh: Reuters.

Sẵn sàng đàm phán mọi vấn đề dưới mọi hình thức

Hãng tin AFP dẫn phát biểu của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky trước báo giới ngày 21-3 nhấn mạnh sự cấp thiết phải tiến hành cuộc gặp trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin “dưới bất kỳ hình thức nào” để chấm dứt căng thẳng hiện nay.

Ông Zelensky nêu rõ: “Nếu tôi có cơ hội và phía Nga mong muốn, chúng tôi sẽ thảo luận tất cả các vấn đề”. Theo đó, nhà lãnh đạo Ukraine tiết lộ ông thậm chí sẵn sàng thảo luận về các khu vực Crimea và Donbass trong cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga.

Song, Tổng thống Zelensky lưu ý, bất kỳ nhượng bộ nào được nhất trí với Nga trong các cuộc đàm phán sắp tới cũng sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu thông qua trong trưng cầu ý dân. Theo đó, các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân có thể liên quan đến các vấn đề về bảo đảm an ninh mà Ukraine nhận được để từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết, lệnh ngừng bắn, rút quân và các bảo đảm an ninh nghiêm ngặt dưới dạng thức đặc biệt là những yêu cầu chính mà Kiev đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.

Trong khi đó, hãng tin TASS (Nga) ngày 21-3 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nhận định mức độ tiến triển trong quá trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine không đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Moscow ghi nhận nỗ lực tham gia hòa giải của các quốc gia trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine, song nhấn mạnh, điều quan trọng không chỉ là chọn địa điểm tổ chức đàm phán mà còn cần thuyết phục Ukraine tham gia thảo luận với tinh thần “hợp tác và mang tính xây dựng hơn”.

Quan chức này cũng cảnh báo, việc Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến “lục địa già”. Ngày 22-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo, Moscow đang cân nhắc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học ở Ukraine. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhắc lại rằng việc sử dụng các loại vũ khí như vậy sẽ gây ra “phản ứng mạnh mẽ” từ các đồng minh phương Tây của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov bác bỏ mọi cáo buộc này của Mỹ; đồng thời khẳng định toàn bộ kho vũ khí hóa học của Nga đã bị tiêu hủy hoàn toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quốc tế vào
năm 2017.

Nỗ lực sơ tán người dân vùng chiến sự

Ngày 22-3, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, nước này đang tập trung các nỗ lực sơ tán người dân tại thành phố Mariupol (đông nam Ukraine), đồng thời liệt kê danh sách các điểm xe buýt của chính phủ dừng đỗ để đón người sơ tán.

Theo hãng tin Reuters, bà Iryna không đề cập đến thỏa thuận mới nào với Nga về việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. Chính quyền thành phố Boryspil (phía bắc Ukraine) khuyến cáo người dân sinh sống gần sân bay quốc tế Boryspil sơ tán do lo ngại tình hình chiến sự căng thẳng. Ông Volodymyr Borysenko, thị trưởng thành phố Boryspil, cho biết giao tranh xảy ra ở vùng Kiev, bao gồm Boryspil, nên người dân cần rời đi ngay khi có thể.

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 3,5 triệu người dân đã sơ tán khỏi Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại nước này vào ngày 24-2. Trong số đó, khoảng 2 triệu người đã sơ tán sang nước láng giềng Ba Lan.

Theo The Guardian, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế của Ukraine có thể giảm đến 35% trong năm nay nếu cuộc chiến với Nga tiếp tục kéo dài. Theo đánh giá ban đầu, IMF cho biết thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, gián đoạn thương mại và dòng người tị nạn sẽ khiến GDP của Ukraine giảm tối thiểu 10%.

THƯ LÊ - KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.