Xung đột Nga - Ukraine: Chờ các cuộc đàm phán

.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang tuần thứ ba mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Song, những nỗ lực ngoại giao vẫn đang được thúc đẩy khi Moscow và Kiev đều bày tỏ mong muốn sẵn sàng đàm phán.

Người tị nạn từ Ukraine đến biên giới Medyka thuộc Ba Lan ngày 10-3. Ảnh: AP
Người tị nạn từ Ukraine đến biên giới Medyka thuộc Ba Lan ngày 10-3. Ảnh: AP

Ba cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đã diễn ra mà chưa đạt được đột phá, trừ việc hai bên mở hành lang nhân đạo cho người dân sơ tán. Những điều kiện và đề xuất từ cả hai phía đưa ra đều khiến đối phương không dễ dàng chấp nhận. Một cuộc họp cấp Ngoại trưởng giữa Nga và Ukraine, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, đã được tổ chức ở thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 10-3 cũng không mang lại kết quả đáng kể. Dù vậy, sự kiện này được coi là một điểm sáng khi tuyên bố của các bên đưa ra có phần mềm dẻo hơn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, không loại trừ khả năng sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng trước hết, các phái đoàn và bộ trưởng của hai nước cần đặt nền móng bằng cách tiến hành đàm phán để cuộc gặp thượng đỉnh có thể đạt những kết quả thực chất.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cũng thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga. Ông đề nghị Thủ tướng Israel Naftali Bennett triệu tập các cuộc đàm phán hòa bình ở Jerusalem bởi “việc tổ chức các cuộc đàm phán ở Nga, Ukraine hoặc Belarus là không mang tính xây dựng”.

“Tôi cho rằng Israel, cụ thể là Jerusalem, là một nơi có thể phù hợp”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky nói. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: Kiev không muốn chiến tranh và điều này nên được ghi rõ bằng văn bản với các nước láng giềng. Ông tuyên bố Kiev cần được bảo đảm an ninh, không chỉ từ phía Nga mà còn từ phía các nhà lãnh đạo phương Tây.

Báo Jerusalem Post dẫn một nguồn tin ngoại giao cấp cao Israel xác nhận Nga cũng sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán với Ukraine tại Jerusalem. Hết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rồi đến Thủ tướng Israel Naftali Bennett đều tăng cường những nỗ lực ngoại giao con thoi giữa Moscow và Kiev. Dù những nỗ lực này không mang lại tiến triển rõ rệt, nhưng mở ra triển vọng để hai bên ngồi vào bàn đối thoại. 

Không những thế, theo một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này sẵn sàng đàm phán ngoại giao với Nga nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine nếu Kiev xem điều này là hữu ích. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại Ukraine, đồng thời khẳng định rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng đều phải thông qua đàm phán giữa Moscow và Kiev.

Điều mà Ukraine mong muốn là một lệnh ngừng bắn trước khi thảo luận về bất kỳ điều kiện nào và nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Còn Nga nhất quyết không từ bỏ “lằn ranh đỏ”, đó là Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và áp dụng quy chế trung lập; chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea được công nhận…

Kể từ đầu xung đột, Ukraine đã kỳ vọng rất nhiều vào sự chống lưng của phương Tây. Song, những gì mà Ukraine nhận được chủ yếu là viện trợ vũ khí phòng thủ, hàng hóa nhân đạo và gây sức ép kinh tế lên Nga để Moscow chùn bước trong chiến dịch quân sự. Mỹ và phương Tây đang thận trọng để không biến cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine thành cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây.

Ukraine cũng đã đệ đơn xin gia nhập EU. Thế nhưng, tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Versailles (Pháp) hồi tuần qua, các nhà lãnh đạo khối gồm 27 thành viên chỉ để ngỏ cánh cửa cho triển vọng kết nạp Ukraine trong tương lai và tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian.

Hiện giữa Nga và Ukraine chỉ thống nhất về việc mở hành lang nhân đạo, còn các vấn đề khác thì không tìm được tiếng nói chung. Đành phải chờ những nỗ lực ngoại giao và các cuộc đàm phán tiếp theo để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.