Bán đảo Triều Tiên đang "nóng"

.

Hàng loạt vụ thử vũ khí của Triều Tiên và những đồn đoán cho rằng nước này có thể thử hạt nhân bất kỳ lúc nào đang làm bán đảo Triều Tiên “nóng” lên.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (bên trái), Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun-dong (giữa) và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori tham gia cuộc họp báo chung ở Seoul ngày 8-6. Các quan chức nhấn mạnh sự hợp tác an ninh giữa 3 nước để ứng phó với thách thức từ Triều Tiên. Ảnh: AP
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (bên trái), Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun-dong (giữa) và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori tham gia cuộc họp báo chung ở Seoul ngày 8-6. Các quan chức nhấn mạnh sự hợp tác an ninh giữa 3 nước để ứng phó với thách thức từ Triều Tiên. Ảnh: AP

Ngày 8-6, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên triệu tập phiên họp toàn thể với sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thảo luận về các chính sách quốc gia như ứng phó đại dịch Covid-19, mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc... Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 9-6 cho biết, cuộc họp có lẽ kéo dài vài ngày, theo đó đánh giá việc triển khai chính sách của nhà nước trong năm 2022 và quyết định “một loạt vấn đề quan trọng”.

Sự kiện nói trên diễn ra trong lúc có những đồn đoán rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử hạt nhân - vụ thử đầu tiên sau gần 5 năm, và động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành tổng cộng 18 vụ thử tên lửa, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Hãng tin AP dẫn lời các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc nói rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể phát biểu về mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh ngoại giao bị đình trệ. Trong phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 12-2021, ông Kim Jong-un nhắc lại cam kết của mình về việc thúc đẩy chương trình hạt nhân quân sự, đồng thời ra lệnh sản xuất các hệ thống vũ khí mạnh mẽ và tinh vi hơn.

Giờ đây, sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, căng thẳng đang nối tiếp căng thẳng với các động thái đáp trả cứng rắn của các bên liên quan. Ngày 25-5, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo, ngày 5-6 phóng đến 8 tên lửa đạn đạo gần như cùng lúc. Ngày 6-6, Mỹ và Hàn Quốc phóng 8 tên lửa đất đối đất thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước đó, Washington và Seoul tập trận chung quy mô lớn, đồng thời triển khai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.

Người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Kim Jun-rak nói rằng, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên tại các cơ sở và địa điểm liên quan đến hạt nhân, nhưng không đưa ra dự đoán cụ thể về thời gian có thể xảy ra vụ thử hạt nhân.

Ngày 8-6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc họp tại Seoul để thống nhất quan điểm hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cảnh báo về một “phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ” nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân. Theo các nhà phân tích, với một vụ thử như thế, Triều Tiên có thể tuyên bố họ đã có được khả năng chế tạo bom đủ nhỏ để lắp trên ICBM đa đầu đạn hoặc trên hệ thống tên lửa tầm ngắn được cho là đang đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 8-6, Trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Song chỉ trích các biện pháp trừng phạt chống lại nước này. Ông Kim Song khẳng định Triều Tiên đang thực hiện quyền tự vệ bằng cách hiện đại hóa vũ khí trong khi đối mặt với “các mối đe dọa trực tiếp” từ Mỹ - quốc gia đang cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Bắc Á.

Trung Quốc và Nga ủng hộ phát biểu của ông Kim Song. Đặc phái viên Trung Quốc thúc giục Mỹ có các bước nhượng bộ như: dỡ bỏ trừng phạt ở một số lĩnh vực, ngừng tập trận chung với các đồng minh châu Á. Về phía Mỹ, chính phủ của Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Triều Tiên thử hạt nhân. Song, với quyền phủ quyết của Trung Quốc và Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể sẽ không thông qua được nghị quyết trừng phạt. Vấn đề Triều Tiên sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra tại Singapore từ ngày 10 đến 12-6, với sự tham gia của các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 40 nước.

PHÚC NGUYÊN

Việt Nam ủng hộ hòa bình, ổn định, phát triển trên bán đảo Triều Tiên

Chiều 9-6, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên; ủng hộ các bên thể hiện thiện chí, thúc đẩy đối thoại, cùng nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

“Với tinh thần đó, đồng thời là nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và là đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc, trong khả năng của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

TTXVN

 

 

;
;
.
.
.
.
.