Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada và Ý) với sự có mặt của một số đối tác, diễn ra ở bang Bayern của Đức từ ngày 26 đến 28-6, ngoài vấn đề xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng…, G7 đã phát động chương trình có tên gọi “Đối tác cho hạ tầng cơ sở và đầu tư thế giới”.
Dự kiến chương trình sẽ huy động nguồn vốn lên tới 600 tỷ USD, trong đó Mỹ góp 200 tỷ USD đầu tư cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2027, trong đó khu vực châu Phi được quan tâm hàng đầu. Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động 300 tỷ euro để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013.
Theo các nhà quan sát, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các lãnh đạo khác tham dự G7 không hề nhắc đến tên Trung Quốc trong dự án mới này, nhưng đều hiểu đó là chương trình có quy mô lớn nhằm ngăn chặn đà mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới trong khuôn khổ BRI. Với chương trình đầu tư rộng lớn, G7 muốn chứng tỏ sự khác biệt với Trung Quốc, đặc biệt là sự thiện chí, minh bạch trong đầu tư nhằm giúp các nước nghèo phát triển.
Một câu hỏi lớn được các nhà quan sát đặt ra là: Với ý đồ như vậy, G7 có thể lật ngược xu thế các nước phát triển chạy theo sức hấp dẫn từ nguồn tiền của Trung Quốc thông qua BRI hay không?
Một quan chức trong chính phủ Mỹ cho rằng, cuộc phản công trên mặt trận kinh tế và quyền lực mềm Trung Quốc này “có từ nhiều năm qua, nhưng không thực sự quá muộn”, bởi ngày càng có nhiều nước nhận được nguồn vốn hay đầu tư trong khuôn khổ BRI thấy rằng nền kinh tế của họ không hề được cải thiện, mà ngày thêm mắc nợ trầm trọng. Thậm chí, nhiều nước - trong đó châu Phi là một ví dụ điển hình - phải tính đến chuyện bán tài nguyên, công trình hạ tầng cho người Trung Quốc để trả nợ.
Nhìn rộng hơn, theo báo Le Monde (Pháp) ngày 28-11-2021, sau nhiều năm triển khai BRI, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại số 1 của châu Phi, có khoảng từ 3.000 - 4.000 công ty tại châu lục này và trên dưới 6.000 công ty châu Phi nhưng đứng đằng sau là người Hoa làm chủ. Đặc biệt, cộng đồng người lao động từ Trung Quốc sang châu Phi ước tính lên tới hơn 1 triệu người. Thế nhưng, BRI đã làm được gì cho “lục địa đen”?
Khi đặt bút ký hợp đồng bạc triệu, bạc tỷ USD về xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp… với châu Phi, Trung Quốc hứa hẹn đó là những dự án “có lợi cả đôi bên”. Nhưng oái ăm thay, các dự án đầu tư này gần như chủ yếu nhắm vào những lĩnh vực “mang tính chiến lược” cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc hay dịch vụ. Bởi thế, nền công nghiệp tại các quốc gia từng là thuộc địa cũ của phương Tây đến nay vẫn không cất cánh, cơ sở hạ tầng vẫn tồi tệ.
Mặt khác, những khoản tiền mang tiếng là trợ cấp phát triển nhưng thực tế là những khoản cho vay có lãi. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh càng “nồng thắm” với châu Phi thì lục địa này càng mang các khoản nợ kết xù. Trong giai đoạn 2000-2019, Trung Quốc cho châu Phi vay khoảng 153 tỷ USD và Angola chiếm tới 30% trong tổng số nợ này. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng nợ công của châu Phi trong giai đoạn 2008-2019 tăng lên gấp đôi, trong đó Trung Quốc là yếu tố then chốt.
Điểm đáng chú ý nữa là trong giai đoạn 2000-2020, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch hai chiều đã được nhân lên gấp 20 lần, đang từ 10 tỷ USD lên đến 200 tỷ USD, nhưng cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Bắc Kinh, gây bất lợi cho châu Phi.
Với chiến lược BRI, nhiều năm qua, Trung Quốc đã nhanh chóng làm nhiều quốc gia, trong đó có khu vực châu Phi thất vọng, thậm chí các nước này đang là con nợ lớn và ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn chính trị và quân sự.
Có thể nói, “Đối tác cho hạ tầng cơ sở và đầu tư thế giới” của G7 ra đời với nguồn vốn đầu tư 600 tỷ USD cho thấy phương Tây chưa bao giờ hết nỗi lo về tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.
TUYẾT MINH