EU cấm nhập dầu của Nga: Đôi bên đều chịu thiệt

.

Việc Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh cấm nhập khẩu phần lớn dầu của Nga không chỉ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế của nước này mà còn gia tăng áp lực lên chính các nước thành viên trong khối khi phải xoay xở tìm nguồn cung thay thế. Động thái mới nhất của EU tiếp tục khiến thế giới đối mặt với khủng hoảng an ninh năng lượng tiềm tàng cũng như tình trạng kinh tế bất ổn.

EU cấm nhập dầu của Nga qua đường biển theo lộ trình 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm dầu tinh chế. Trong ảnh: Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga gần Budapest. Ảnh: AFP
EU cấm nhập dầu của Nga qua đường biển theo lộ trình 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm dầu tinh chế. TRONG ẢNH: Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga gần Budapest. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Ủy ban châu Âu ngày 31-5 (giờ Brussels) cho biết, biện pháp trừng phạt của EU đối với việc cấm nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển được áp đặt theo lộ trình 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm dầu tinh chế. Thời gian biểu này sẽ có hiệu lực ngay sau khi các lệnh trừng phạt được chính thức thông qua. Dự kiến, đại sứ các nước EU sẽ thông qua các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga trong tuần này. Hiện, hơn 60% lượng dầu của Nga mà EU nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, khoảng 30% còn lại là thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba. Theo đó, lệnh cấm này sẽ ngay lập tức được áp dụng đối với lượng dầu mỏ được vận chuyển qua đường biển.

Hệ lụy kinh tế không nhỏ

Theo hãng tin AP, lệnh cấm đối với 90% nguồn nhập khẩu dầu từ Nga được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi là “bước tiến quan trọng”, còn Pháp hoan nghênh quyết định này cho thấy 27 nước thành viên đang xích lại gần hơn khi đạt đồng thuận về những vấn đề ảnh hưởng đến vận mệnh của khối. Song, bước đi mới nhất của EU lại tạo ra “hiệu ứng ngược” đối với chính khối này khi khả năng đẩy người dân và các công ty châu Âu vào thế khó bởi “lục địa già” trước giờ phụ thuộc nguồn cung năng lượng rất lớn của Nga. 

Một số nước châu Âu sẽ dễ bị tổn thương khi mất khả năng tiếp cận nguồn cung dầu của Nga. Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc bấy lâu nay nhập khẩu một số lượng lớn dầu mỏ từ Nga. Các nước EU khác ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga vẫn đối mặt với tình trạng lạm phát do giá dầu tăng cao. Trong khi đó, quá trình tìm kiếm sản phẩm thay thế nhiên liệu hóa thạch có thể mất từ vài tháng đến vài năm.

Việc châu Âu áp dụng các lệnh cấm vận theo từng giai đoạn thay vì ngay lập tức đối với dầu Nga cho phép Moscow có thời gian tái định tuyến sản lượng tới các khách hàng mới ở châu Á trong 6 tháng tới. Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell tuyên bố, vòng trừng phạt mới nhất nhắm vào dầu mỏ Nga sẽ “làm tê liệt cỗ máy chiến dịch quân sự của Moscow”.

Theo The Guardian, EU đã trả cho Nga gần 1 tỷ euro (hơn 1 tỷ USD) mỗi ngày để mua năng lượng. Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga được chuyển đến EU. Lệnh cấm khiến Nga mất đi “nguồn ngoại tệ vô giá” thu về từ dầu khí, vốn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế trong dài hạn, nhất là trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng chưa từng có. Bloomberg dẫn dự báo của Viện Tài chính Quốc tế gần đây cho biết, xung đột với Ukraine có khả năng “quét sạch” 15 năm phát triển kinh tế của Nga. GDP của Nga ước tính sẽ giảm ít nhất 10% trong năm nay. Theo dữ liệu của Kpler, một công ty theo dõi vận tải dầu, việc ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu buộc Nga phải giảm sản lượng khai thác, đóng cửa các giếng dầu và tăng chi phí vận tải khi phải chuyển hướng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Á. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành năng lượng của Nga nói chung trong những năm tới.

Căng thẳng chồng chất

Động thái mới nhất của EU cho thấy nỗ lực ngăn các khoản tiền Nga có thể thu về từ dầu khí, qua đó “tác động đáng kể” đến khả năng hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Song, giới quan sát nhìn nhận, điều này sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến quan hệ Nga - phương Tây càng thêm căng thẳng và gây trở ngại nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Bên cạnh đó, lệnh cấm nhập dầu của Nga có thể dẫn đến nguồn cung càng thêm bấp bênh, đồng thời khiến giá xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác tiếp tục “nhảy vọt” ở phạm vi toàn cầu. Lệnh cấm dầu Nga của EU sẽ tác động mạnh đến giá xăng, đặc biệt ở các nước EU và Anh. Chỉ vài giờ sau khi các biện pháp mới được công bố, giá dầu giao dịch trên 123 USD/thùng, mức cao nhất trong hai tháng và tăng 75% so với một năm trước.

Bên cạnh đó, lệnh cấm cũng có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng đáng quan ngại khác, trong đó đe dọa an ninh lương thực, nhất là khi Nga đang bày tỏ thiện chí trong việc giải quyết các vấn đề này. Giờ đây, thế giới vẫn phải “phập phồng” dõi theo từng động thái mới trong quan hệ Nga-phương Tây bởi các biện pháp trừng phạt áp lên Moscow có nguy cơ lan rộng nhanh chóng và phá vỡ sự cân bằng cung cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng và sản xuất, kéo theo lạm phát và cuối cùng làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.