Sau một thời gian chật vật tìm tiếng nói chung trong nội bộ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã nhất trí áp đặt lệnh cấm vận đối với 90% nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trước cuối năm nay, qua đó tạo bước chuyển lớn trong nỗ lực giảm phụ thuộc nhiên liệu vào Moscow.
EU nhất trí cấm phần lớn dầu của Nga nhập khẩu vào khối này bằng đường biển, song miễn trừ dầu vận chuyển qua hệ thống đường ống. Ảnh: Getty Images |
Các nhà lãnh đạo EU đạt được đồng thuận nói trên tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của khối này tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga là nội dung quan trọng nhất.
Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, theo kết luận của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU nhất trí gói trừng phạt mới nhất đối với Nga bao gồm cấm vận dầu thô cũng như các sản phẩm dầu mỏ được chuyển từ Nga vào các quốc gia thành viên bằng đường biển, song tạm thời cho phép nhập khẩu dầu thô bằng đường ống. Thỏa thuận này được xem là nhượng bộ quan trọng của EU đối với Hungary, đồng thời cũng là “chiến thắng lớn” của quốc gia bấy lâu nay liên tiếp phản đối lệnh cấm vận dầu của Nga. Theo quy định mới, Hungary vẫn tiếp tục được phép nhập dầu từ Nga qua đường ống Druzhba nhánh phía nam. Trong khi đó, Ba Lan và Đức - vốn tiếp nhận dầu từ nhánh phía bắc của đường ống Druzhba - cũng cam kết sẽ “giảm lượng dầu của Nga vào cuối năm nay”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga là “bước tiến quan trọng”. Các nước thành viên EU đã “thống nhất về nguyên tắc” trong việc hoàn tất lệnh cấm đối với gần 90% tổng lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay bằng cách đồng ý về các chi tiết kỹ thuật vào cuối tuần này, đồng thời sẽ thảo luận chi tiết về 10% còn lại - là dầu được chuyển qua đường ống - trong những tháng tới.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định, nước này có thể giữ giá xăng dầu ở mức thấp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gia tăng vì thỏa thuận miễn trừ dầu từ đường ống.
Động thái mới nhất của EU cho thấy nỗ lực ngăn các khoản tiền Nga có thể thu về từ dầu khí, vốn là nguồn xuất khẩu lớn nhất và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, qua đó gia tăng sức ép tối đa buộc Moscow kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và chấm dứt khả năng Nga sử dụng năng lượng như công cụ gây áp lực và chia rẽ ở châu Âu. Gói trừng phạt cũng bao gồm lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân, loại Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga - ra khỏi khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm 3 đài truyền hình Nga phát sóng ở EU. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas còn kêu gọi EU “tiến xa hơn nữa” và thảo luận về khả năng cấm vận khí đốt của Nga trong các gói trừng phạt tiếp theo.
Theo tính toán của Bloomberg, đòn trừng phạt cứng rắn của EU có thể khiến Nga mất 10 tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu mỗi năm. Giới quan sát nhìn nhận, lệnh cấm sẽ khiến sản lượng xuất khẩu dầu của Nga tới châu Âu giảm, song Moscow có thể bù đắp tổn thất khi giá dầu tăng. CNBC dẫn lời đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho biết: “Nga sẽ nhanh chóng tìm các nhà nhập khẩu dầu thô khác”. Theo đó, châu Á có khả năng thị trường hứa hẹn nhất mà Moscow đang nhắm đến.
Trong khi đó, quyết định táo bạo lần này của EU dự kiến sẽ gây bất lợi cho các hộ gia đình và công ty châu Âu vốn đã vật lộn với hóa đơn năng lượng tăng cao trong nhiều tháng. Theo Euronews, EU có thể sẽ hướng về các quốc gia sản xuất dầu khác, gồm Na Uy, Anh, Mỹ, Libya, Nigeria, Kazakhstan, Iraq và Saudi Arabia, “để lấp đầy khoảng trống khổng lồ” về nguồn cung do Nga để lại. Trong khi đó, bất chấp lời kêu gọi của EU, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn hạn chế sản xuất kể từ khi Covid-19 bùng phát khi viện dẫn nhu cầu toàn cầu chưa ổn định và chịu tác động từ đại dịch.
Trong phiên giao dịch chiều 31-5, giá dầu tại thị trường châu Á nối dài đà tăng sau tuyên bố của EU về lệnh cấm nhập dầu của Nga, làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung. Theo đó, giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 2,19 USD (1,8%) lên 123,86 USD/thùng, sau khi vọt lên 124,10 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Tám đã tăng 2,25 USD lên 119,85 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 4,05 USD (3,5%) lên 119,12 USD/thùng.
A. THƯ