Chỉ trong 3 tuần qua, giá xăng (loại thông thường) trung bình tại Mỹ đã tăng thêm 39 cent, lên mức 5,10 USD/gallon (1 gallon Mỹ = 3,78 lít). Giá xăng liên tục lập các mốc cao mới trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng cao và nguồn cung vẫn đang bị thắt lại.
Một cây xăng hiển thị giá các loại nhiên liệu ở McLean, bang Virginia (Mỹ) ngày 10-6-2022. Ảnh: AFP |
So với một năm trước, giá xăng tại thời điểm này ở Mỹ đã tăng thêm 1,97 USD/gallon. Về tổng thể toàn nước Mỹ, giá xăng trung bình tại vùng vịnh San Francisco đang ở mức cao nhất là 6,55 USD/gallon, trong khi thấp nhất tại Baton Rouge (bang Louisiana) là 4,43 USD/gallon. Không chỉ xăng, theo dữ liệu khảo sát được AP trích dẫn, giá dầu diesel trung bình ở Mỹ cũng đã tăng 20 cent/gallon trong 3 tuần qua, lên mức 5,86 USD/gallon.
Lạm phát lên mức cao nhất
Theo hãng tin AP, hiện chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy giá xăng sẽ sớm hạ nhiệt. Không bất ngờ khi mức giá tăng vọt của mặt hàng chủ chốt là nhân tố chính đẩy tỷ lệ lạm phát ở Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm qua, vượt mọi dự báo của giới chuyên gia. Ngay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước cũng nói rằng đã sai lầm khi nhận định không đúng về mức tăng lạm phát của Mỹ - chuyện hy hữu với một nhà làm chính sách tại Washington.
Giá xăng ở Mỹ thực tế đã tăng từ tháng 4-2020, bắt đầu từ thời điểm Covid-19 gây sốc khiến xăng lao xuống mức dưới 1,80 USD/gallon. Đến tháng 5-2021, giá xăng phục hồi ở mức 3 USD/gallon và tới tháng 3-2022 vượt qua 4 USD/gallon.
Đối mặt với thực tế này, một số người trách móc Tổng thống Mỹ Joe Biden, số khác đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc các công ty xăng dầu trong nước lợi dụng tình hình thổi giá kiếm lời.
Dù vậy, AP dẫn một số ý kiến chuyên gia cho biết, có nhiều nhân tố cùng “hiệp lực” đẩy giá xăng tăng ở Mỹ. Trước hết là giá dầu thế giới luôn tăng kể từ tháng 12-2021. Trong cùng khoảng thời gian này, giá dầu thô tăng gần gấp đôi, giá dầu tiêu chuẩn của Mỹ đã tăng lên 120 USD/thùng khi đóng cửa thị trường chiều 10-6.
Chiến sự bùng nổ tại Ukraine hẳn nhiên là một nhân tố tác động lớn khi kéo theo một loạt biện pháp trừng phạt liên quan năng lượng của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga.
Mỹ là nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới, nhưng năng lực sản xuất xăng kể từ cuối năm 2019 đã giảm xuống, chỉ xử lý được 900.000 thùng dầu/ngày, theo số liệu của Bộ Năng lượng nước này. Trong khi nguồn cung xăng, dầu đều giảm thì nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tiếp tục tăng. Chính phủ của Tổng thống Biden thời gian qua cũng đã cố gắng thúc ép các công ty xăng dầu trong nước tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng cao, nhưng chỉ một số công ty thực hiện việc này.
Tổng thống Biden sẽ đến Saudi Arabia?
Theo New York Times, giá xăng tăng cao kỷ lục trở thành sức ép chính trị cực lớn với Tổng thống Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung khi cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tới. Dù thế nào, ông Biden cũng sẽ phải dốc sức tìm kiếm những giải pháp để hạ giá xăng.
Ngày 12-6 (giờ Mỹ), một loạt cơ quan báo chí truyền thông Mỹ cho biết, Nhà Trắng dự kiến công bố sớm kế hoạch công du Saudi Arabia của Tổng thống Biden trong tháng 7. Trong chuyến đi Trung Đông này, ngoài kế hoạch ghé Israel, lịch trình có cả cuộc gặp giữa ông Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammet bin Salman.
Thông tin về chuyến công du, dù chưa được chính thức công bố, nhưng làm dấy lên những chỉ trích từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa - những người vốn không ưa chính quyền Riyadh. Ngay cả một số đồng minh của ông Biden trong Quốc hội cũng chỉ trích ý tưởng Tổng thống có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman. Chẳng hạn, nghị sĩ Adam Schiff phát biểu trên đài CBS News ngày 12-6 rằng, tới khi nào Saudi Arabia có những thay đổi đáng kể về vấn đề nhân quyền, còn không thì ông không muốn có bất cứ mối quan hệ nào với chính quyền Riyadh. Thực tế, ông Biden đã nhiều lần lên án Riyadh về các vấn đề nhân quyền, đáng kể nhất là vụ việc liên quan nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018.
Giới chức Mỹ cho biết, họ sẽ cần làm việc với Saudi Arabia về một số vấn đề thách thức toàn cầu, trong đó đáng kể nhất là câu chuyện giá dầu tăng và cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Theo giới quan sát, cả hai vấn đề lớn này khiến mối quan hệ giữa Washington và Riyadh dù lúc nóng, lúc lạnh nhưng không thể hoàn toàn cắt đứt.
TRẦN ĐẮC LUÂN