Sứ mệnh của Tổng thống Joe Biden ở châu Âu

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du châu Âu để dự các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài 4 tháng không những không có dấu hiệu “xuống thang”, mà còn tác động đến an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu (EU) gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng Elmau, bang Bavaria của Đức. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu (EU) gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng Elmau, bang Bavaria của Đức. Ảnh: AP

Theo AP, hồi tháng 3, vài tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden cũng đến châu Âu. Lúc đó, ông gặp gỡ các đồng minh ở Brussels (Bỉ) và cố gắng trấn an các đối tác Đông Âu trong cuộc gặp ở Ba Lan rằng họ sẽ không đối mặt với một chiến dịch như thế. Các cuộc hội đàm trong chuyến công du cũng là cơ hội để chứng minh những ưu tiên chính sách đối ngoại mà ông Biden đã cam kết lúc tranh cử, như khôi phục quyền lãnh đạo của Mỹ và hàn gắn các liên minh đã rạn nứt. Vì vậy, thông điệp của ông Biden mang đến là Mỹ đã trở lại vị thế của một người bạn sẵn sàng giúp đỡ các đồng minh vào thời điểm bước ngoặt.

Giờ đây, sau 3 tháng, tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) ở khu nghỉ dưỡng Elmau, bang Bavaria của Đức, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các đồng minh sát cánh cùng nhau khi đối mặt với Nga.

Nhà Trắng thông báo G7 sẽ thảo luận về các kế hoạch mới nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga. Đúng như dự đoán, ngày 26-6, ngay khi bắt đầu hội nghị, 4 nước (Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản) thuộc G7 quyết định cấm nhập khẩu vàng của Nga để siết chặt các biện pháp trừng phạt và cắt đứt các phương tiện tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo G7 đang tiến rất gần tới quyết định đề ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga nhằm lấy đi một nguồn thu chính của Moscow, đồng thời làm hạ giá dầu của nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó nói rằng, Washington sẽ khiến Nga trả giá đắt đến mức phải chấm dứt cuộc xung đột thông qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có. Thế nhưng, dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và lãnh thổ Ukraine vẫn ổn định, theo Tập đoàn Năng lượng Gazprom.

Sau bang Bavaria, chặng dừng chân tiếp theo của Tổng thống Biden là Madrid (Tây Ban Nha). Theo đó, các cuộc gặp gỡ giữa ông Biden và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thành phố này cũng đề cập khủng hoảng ở Ukraine. Đây là lần thứ tư ông Biden dự hội nghị thượng đỉnh NATO trên cương vị Tổng thống, trong bổi cảnh Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập khối hiện có 30 thành viên.

Một số chuyên gia cho rằng, ông Biden có thể cần tham gia trực tiếp vào việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối hai quốc gia Bắc Âu nói trên gia nhập NATO. Cuối cùng, Mỹ có thể phải nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 để thuyết phục Ankara mở rộng đường cho Stockholm và Helsinki. Song, Nhà Trắng không tiết lộ ông Biden có kế hoạch gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hay không.

Theo ông John Kirby, phát ngôn viên của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, các cuộc thảo luận 3 bên sẽ diễn ra ở Madrid gồm Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển - Phần Lan, nhưng chưa rõ Tổng thống Biden có can dự khi cần thiết không.

Điều đáng nói, chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Biden diễn ra trong lúc ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu sắp tới. Đảng Cộng hòa có thể lợi dụng việc chi phí sinh hoạt tăng để có thêm lợi thế dù ông Biden đổ lỗi nguyên nhân do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo báo The Hill, sứ mệnh của người đứng đầu Nhà Trắng ở “lục địa già” là tìm cách hạ giá lương thực và khí đốt, đồng thời kết nối các đồng minh trong chiến dịch gây áp lực với Nga. Tuy nhiên, ông Biden sẽ không dễ hoàn thành sứ mệnh này.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.