Nga vừa xác nhận kế hoạch tạm thời ngừng hoạt động cả hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của tuyến Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) để sửa chữa theo lịch trình hằng năm. Động thái mới nhất của Moscow tiếp tục khiến châu Âu phải chạy đua với thời gian để bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh “lục địa già” còn phải gồng mình ứng phó với hàng loạt thách thức không nhỏ khác, gồm lạm phát gia tăng và khủng hoảng lương thực.
Hai đường ống dẫn khí đốt của tuyến Nord Stream 1 sẽ ngưng hoạt động trong 10 ngày để phục vụ bảo trì. Ảnh: Spamchronicles |
Hãng tin TASS dẫn thông báo của nhà vận hành Nord Stream AG cho biết: “Từ ngày 11-7 đến 21-7-2022, Nord Stream AG sẽ tạm ngừng cả hai đường ống của tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 để thực hiện công việc bảo trì theo lịch trình, kể cả kiểm tra các bộ phận cơ khí và hệ thống tự động hóa, nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy”.
“Mùa đông không ấm áp”
Các nước châu Âu đang gặp khó trong việc tích trữ khí đốt cho mùa đông năm nay. Nga đang ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều đối tác vì từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Lượng khí đốt từ Nga sang Đức giảm tới 60% trong tháng 6-2022 vì vấn đề trục trặc kỹ thuật. Việc Nga thông báo tạm ngừng hoạt động đường ống dẫn khí của Nord Stream 1 nối từ Nga sang Đức trong 10 ngày tiếp tục khiến nguồn dự dữ khí đốt ở “lục địa già” càng thêm khốn khó.
Hãng tin AP dẫn nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức Robert Habeck ngày 2-7 cảnh báo, nước này có thể đối mặt với khả năng Nga tiếp tục trì hoãn việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sau thời gian ngừng hoạt động để bảo dưỡng lần này. Ông Robert Habeck nhận định, việc giảm cung cấp khí đốt chẳng khác gì “một cuộc tấn công kinh tế”, khi châu Âu đang chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế cho mùa đông lạnh giá sắp tới. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng thúc giục châu Âu “phải chuẩn bị ngay lập tức” cho viễn cảnh Nga có thể khóa hoàn toàn van khí đốt sang châu lục này vào mùa đông sắp tới. Phương Tây cáo buộc động thái của Nga mang “động cơ chính trị” và năng lượng được Moscow xem như “lá bài” để mặc cả với các lệnh trừng phạt.
Theo AP, khó khăn càng thêm chồng chất đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) khi Vương quốc Anh cũng để ngỏ khả năng “khóa van” dòng khí đốt dẫn đến Hà Lan và Bỉ nếu nước này rơi vào khủng khoảng an ninh năng lượng nghiêm trọng theo một kế hoạch khẩn cấp phát đi từ các công ty năng lượng.
Hối hả xây dựng kế hoạch ứng phó
Động thái của Nga đang khiến một số nước châu Âu phải phát đi báo động về nguy cơ khủng hoảng năng lượng. Đức vừa kích hoạt giai đoạn 2 của kế hoạch ứng phó khẩn cấp 3 giai đoạn. Theo Reuters, Berlin sẽ cung cấp 15 tỷ euro để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, và triển khai mô hình đấu giá khí đốt vào mùa hè này để khuyến khích ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu cũng thông báo tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Trước đó, Đức và Canada nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực khí đốt, trong đó có khả năng xây dựng một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ biển phía đông của Canada để sớm xuất khẩu sang Đức, qua đó giúp châu Âu từ bỏ khí đốt của Nga bằng LNG riêng “trong trung hạn”. Theo CNBC, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức kêu gọi các chủ nhà và căn hộ kiểm tra lò gas và máy điều hòa và chỉnh sửa để tận dụng hiệu năng của chúng. “Công tác bảo trì có thể giảm từ 10% đến 15% mức tiêu thụ gas”, cơ quan này nhấn mạnh.
Trong khi đó, chính phủ Thụy Sĩ và ngành công nghiệp khí đốt nước này đã phối hợp triển khai các biện pháp tăng cường nguồn cung khí đốt cho mùa đông tới bằng cách đảm bảo lượng khí đốt dự trữ tại các nước láng giềng và tìm kiếm nguồn cung bổ sung. Dưới sự điều phối của Hiệp hội Công nghiệp khí đốt Thụy Sĩ (ASIG), Thụy Sĩ đã thành lập Nhóm phản ứng nhanh (task force) về nguồn cung khí đốt cho mùa đông 2022-2023.
Giới quan sát nhận định, EU cần ít nhất ba năm để thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga trong trường hợp Moscow “khóa van” nguồn cung. Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt tiếp tục khiến EU đối mặt với cú sốc vĩ mô nghiêm trọng, với tăng trưởng kinh tế suy giảm và lạm phát tăng cao trong thời gian tới.
THƯ LÊ