Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha từ ngày 28 đến 30-6 đã đưa ra “khái niệm chiến lược mới”, trong đó cho rằng mối quan hệ giữa liên minh quân sự này và Nga có thể thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào thì phụ thuộc vào Moscow.
“Khái niệm chiến lược mới” được xem là tài liệu đáng chú ý tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, đánh dấu việc khối quân sự có 30 thành viên đang chuyển từ “lỗi thời” sang “hồi sinh”. “Khái niệm chiến lược mới” xác định các giá trị và mục tiêu của liên minh quân sự; định hướng các nhiệm vụ ưu tiên liên quan vấn đề an ninh và giải quyết những thách thức mà NATO phải đối mặt.
Theo AP, trong “khái niệm chiến lược mới”, NATO cam kết bảo vệ tự do và an ninh của các đồng minh, đồng thời tái khẳng định sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia thành viên là điều cần thiết đối với an ninh của NATO. Khối này cũng đặt ra các nhiệm vụ cốt lõi: răn đe và phòng thủ; ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng; hợp tác an ninh, nâng cao khả năng ứng phó của cá nhân, tập thể và tăng cường năng lực công nghệ.
Đặc biệt, “khái niệm chiến lược mới” từng được công bố cách đây 10 năm đã gọi Nga là “đối tác chiến lược” và hoàn toàn không đề cập Trung Quốc, nhưng tài liệu lần này nhắc đến cả hai. Cụ thể, NATO không coi Nga là đối tác nữa nhưng sẵn sàng duy trì kênh liên lạc mở. “NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga. Chúng tôi vẫn giữ các kênh liên lạc mở với Moscow để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng tính minh bạch”, tài liệu nêu rõ. Liên minh quân sự này cho rằng, mối quan hệ giữa NATO và Nga có thể thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào thì phụ thuộc vào Moscow.
Trong khi đó, NATO nhắc đến Trung Quốc khi cho rằng quốc gia châu Á này đã đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống”. “Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà họ đặt ra”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi trình bày “khái niệm chiến lược mới” của khối.
Đây là lần đầu tiên NATO xác định Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”. Vì thế, NATO cũng xác định đường hướng tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không những thế, “khái niệm chiến lược mới” còn bày tỏ quan ngại về quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc.
Phản ứng trước “khái niệm chiến lược mới” của NATO, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Bắc Kinh không đặt ra “thách thức hệ thống như tưởng tượng”, đồng thời cáo buộc chính NATO là “thách thức mang tính hệ thống đối với hòa bình và ổn định của thế giới”.
Từng có thời điểm hình thái liên minh có tên gọi NATO bị hoài nghi. Khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ đã chỉ trích NATO, cho rằng cường quốc này đang chi tiêu cho NATO nhiều hơn hẳn các nước khác, nhưng NATO đang giúp ích cho châu Âu nhiều hơn hẳn Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả NATO đang “chết não”, “lỗi thời”, trong khi chức năng, nhiệm vụ của khối quân sự tập thể này là bảo vệ các nước thành viên trước những mối đe dọa từ bên ngoài.
Các nhà phân tích cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến khái niệm “phòng thủ tập thể” một lần nữa trở thành sứ mệnh tồn tại của NATO và buộc khối này “hồi sinh”. Thậm chí, NATO còn muốn mở rộng với việc thúc đẩy kết nạp Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên để tăng cường sức mạnh chiến đấu. Chuyển biến mới ở khu vực đã khiến Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ quan điểm trung lập, chọn gia nhập liên minh để có chỗ dựa cho an ninh quốc gia.
PHÚC NGUYÊN