Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 28 đến 30-6 ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, khối liên minh quân sự này đã có những tuyên bố được coi là thông điệp trực tiếp gửi tới Nga trong bối cảnh phương Tây tiếp tục thảo luận, tìm kiếm các kế sách trừng phạt Moscow vì xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) chụp ảnh với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 29-6 ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: NYT |
Việc 30 nước thành viên NATO chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập tổ chức, đồng thời công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của khối tại một số nước gần Nga là thông điệp mang tính răn đe trực tiếp mà NATO gửi đến Moscow.
Đảo ngược thỏa thuận năm 1997
Trước sức ép phải tìm những giải pháp mới để ứng phó Nga trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước qua tháng thứ 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh tại NATO ngày 29-6 đã có tuyên bố “lịch sử” về việc gia tăng lực lượng phản ứng của khối này ở sườn đông châu Âu. Tuyên bố chào đón hai ứng viên mới sẽ sớm gia nhập khối là Phần Lan và Thụy Điển, dùng những từ mạnh mẽ như cam kết bảo vệ “từng inch” lãnh thổ của NATO trước các đe dọa bên ngoài. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, khối này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai đến nay.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Biden cho biết, Mỹ sẽ có một đợt mở rộng sự hiện diện quân sự lớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập niên, trong đó có nhóm quân thường trú tại Ba Lan - động thái đảo ngược một thỏa thuận từng ký năm 1997 của NATO với Nga. Ông Joe Biden tuyên bố sẽ tăng cường điều động lính Mỹ trên toàn châu Âu. “NATO sẽ mạnh mẽ và đoàn kết”, ông Biden nói.
Theo thỏa thuận năm 1997, NATO cam kết không điều động số lượng lớn quân nhân nước ngoài đồn trú thường xuyên tại Ba Lan hay tại bất cứ quốc gia vùng Baltic nào thuộc khối này. Tuy nhiên, việc chính phủ ông Biden tuyên bố thành lập một lực lượng thường trực mới tại Ba Lan đánh dấu lần đầu tiên quân nhân Mỹ được điều tới thường trú tại một nước ở rìa đông NATO, tức vi phạm thỏa thuận năm 1997 đã ký với Moscow. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow sẽ “có những biện pháp đáp trả” sau động thái này của Mỹ và NATO.
NATO xác lập đối đầu Nga
Những tuyên bố mạnh mẽ, bày tỏ tinh thần đoàn kết đặc biệt của NATO tại hội nghị thượng đỉnh lần này khiến giới quan sát cảm thấy liên minh quân sự đang trở nên “có sức sống” khác thường so với giai đoạn trước. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo NATO về nguy cơ bị “chết não” khi những phản đối của khối chỉ mang tính chiếu lệ, thiếu “lửa”. Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã rút lực lượng Mỹ ra khỏi miền bắc Syria mà không cần tham vấn liên minh. Thậm chí, ông Trump từng nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi tổ chức này.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Economist (Anh), Tổng thống Macron từng bày tỏ nghi ngờ việc điều 5 Hiệp ước NATO - có nội dung tuyên bố một cuộc tấn công nhắm vào một thành viên NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công với toàn bộ khối này - liệu có đang được áp dụng hay không.
Song, khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, ngay cả những quốc gia giữ thế trung lập lâu nay là Phần Lan và Thụy Điển cũng đã nộp đơn xin gia nhập khối, coi điều 5 đó như sự bảo đảm tốt nhất cho an ninh và chủ quyền của họ.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, NATO đã công bố khái niệm chiến lược mới “một thế kỷ mới có một lần” với những điểm đáng chú ý như tăng gần gấp 8 lần số quân nhân của Lực lượng phản ứng nhanh của NATO, từ 40.000 quân hiện nay lên hơn 300.000 quân.
Cùng với đó, khái niệm chiến lược mới của NATO cũng xác định Nga là “nguy cơ trực tiếp và nghiêm trọng nhất với an ninh của liên minh”. Trong khi đó, Trung Quốc- quốc gia cách Đại Tây Dương khoảng 3.700 dặm (gần 6.000km) được xác định là nguồn gốc của “những thách thức hệ thống” với NATO.
Không phủ nhận cuộc xung đột tại Ukraine là chất xúc tác đáng kể cho những động thái của NATO, nhưng như tạp chí Time cho rằng, trước thời điểm xung đột tại Ukraine nổ ra (trước ngày 24-2-2022), NATO cũng đã “phình” to hơn về quy mô và ngày càng tiệm cận biên giới Nga.
Trước khi Crimea sáp nhập Nga năm 2014, các nước thành viên ở phía đông NATO không có lực lượng quân đội nước ngoài nào đồn trú. Nhưng sau đó, Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đã tiếp nhận các nhóm quân nhân chiến đấu nhỏ với mỗi đơn vị khoảng 1.000 quân nhằm gửi cảnh báo tới Nga.
Tổng thống Vladimir Putin: Nga sẽ phản ứng “tương xứng” Trước những diễn biến từ hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ có những phản ứng “tương xứng” với mọi hoạt động điều binh của liên minh quân sự tại Phần Lan và Thụy Điển, Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc NATO đang cố tình gây bất ổn trong xã hội Nga. “Chúng tôi không có vấn đề gì với Thụy Điển và Phần Lan giống như với Ukraine. Chúng tôi không có những khác biệt về lãnh thổ”, ông Putin nói tại cuộc họp báo ở thủ đô Ashgabat của Turkmenistan. “Nếu Phần Lan và Thụy Điển muốn, họ có thể gia nhập (NATO - PV). Điều đó là tùy họ. Họ có thể gia nhập bất cứ cái gì họ muốn”, ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh nếu các nhóm quân nhân và hạ tầng quân sự được triển khai ở hai nước đó thì Moscow sẽ buộc phải phản ứng tương xứng, |
TRẦN ĐẮC LUÂN