Nước Mỹ tiếp tục chấn động bởi hàng loạt vụ xả súng thương tâm ngay trong dịp lễ Quốc khánh. Trong đó, thảm kịch ở Highland Park, ngoại ô Chicago (bang Illinois) vào ngày 4-7 (giờ địa phương) làm ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương là vụ việc nghiêm trọng và đáng chú ý nhất trong bối cảnh cường quốc này vẫn chưa tìm ra phương án xử lý rốt ráo bạo lực súng đạn - “căn bệnh trầm kha” bấy lâu nay.
Lực lượng thực thi pháp luật khám xét khu vực Highland Park, ngoại ô Chicago, sau một vụ xả súng hàng loạt vào ngày 4-7-2022. Ảnh: AP |
Theo New York Times, có 4 vụ xả súng diễn ra ở Mỹ trong ngày 4-7 khiến người dân bàng hoàng. Vụ việc tại Highland Park là một trong hai vụ xả súng hàng loạt chỉ tính riêng ở Chicago trong ngày 4-7. Trước đó, chưa đầy 12 tiếng, 5 người bị thương trong một vụ xả súng khác ở khu South Side thuộc thành phố này.
“Chẳng khác gì một trận chiến”
Theo hãng tin Reuters, kẻ tấn công tại Highland Park đã đứng trên mái nhà và dùng súng bắn vào đoàn người diễu hành nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ. Cảnh sát đã xác định nghi phạm có liên quan đến vụ nổ súng là Robert E Crimo III (22 tuổi) sống ở khu vực này. Phát ngôn viên của cảnh sát trưởng Christopher Covelli cho biết: “Nghi phạm có vũ trang và rất nguy hiểm”. Cơ quan chức năng đã thu giữ một khẩu súng trường từ hiện trường.
Thị trưởng Highland Park, Nancy Rotering, cho biết: “Trái tim của chúng tôi hướng về các nạn nhân vào thời điểm tàn khốc này. Vào một ngày mà chúng ta cùng nhau chào mừng sự tự do, giờ đây chúng ta phải đối mặt với sự mất mát to lớn về nhân mạng”. Thảm kịch ở Highland Park - nơi trước giờ không thường xuyên xảy ra bạo lực - bỗng chốc đưa khu vực này “gia nhập” danh sách các thành phố và thị trấn toàn quốc xảy ra vụ tấn công người dân vô tội bằng súng, trong đó có Uvalde, Columbine, Newtown và Parkland.
Theo NBC Chicago, tính đến sáng 4-7 (giờ địa phương) ít nhất 57 người đã bị bắn ở Chicago trong ngày cuối tuần, 9 người trong số họ tử vong. Con số này không bao gồm số người thương vong trong vụ nổ súng ở Highland Park. Trong khi đó, vụ nổ súng xảy ra gần công viên Benjamin Franklin ở Philadelphia ngày 4-7 khiến 2 sĩ quan bị thương và đám đông hoảng loạn tháo chạy khi hàng nghìn người đang tập trung tham dự buổi hòa nhạc và xem trình diễn bắn pháo hoa nhân dịp Quốc khánh Mỹ.
Cùng ngày, thành phố Kenosha (bang Wisconsin) cũng nhận được tin báo về một vụ nổ súng tại nhà riêng khiến một người chết và 4 người bị thương nặng. Giới chức vẫn chưa xác định được nguyên nhân và cũng chưa bắt được nghi phạm.
Cam kết chấm dứt “đại dịch” bạo lực súng đạn
Theo hãng tin CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân hoàn toàn “bị sốc” bởi hàng loạt vụ bạo lực súng đạn “vô nghĩa, khủng khiếp” diễn ra ở các thành phố lớn dịp lễ Quốc khánh. Nhà lãnh đạo Mỹ cam kết: “Tôi sẽ không từ bỏ việc chống lại bạo lực súng đạn”, đồng thời lưu ý rằng ông vừa ký lệnh ban hành luật kiểm soát súng quan trọng nhưng sẽ còn một khối lượng lớn công việc trước mắt cần giải quyết để kiềm chế vấn nạn nhức nhối này.
Vào tháng trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật Cộng đồng an toàn hơn” dài 80 trang, trong đó đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21. Đây là lần đầu tiên sau ba thập kỷ một đạo luật quan trọng về kiểm soát súng đạn được Quốc hội Mỹ thông qua, đánh dấu bước chuyển lớn trong nỗ lực giảm thiểu bạo lực súng đạn.
Các vụ nổ súng nói trên xảy ra khi nạn bạo lực súng đạn vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người Mỹ, sau thảm kịch vào ngày 24-5 tại một trường tiểu học ở Uvalde (bang Texas) khiến 19 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng. Theo Cơ quan Lưu trữ bạo lực súng, ít nhất 309 vụ xả súng hàng loạt đã được ghi nhận trong năm nay trên toàn nước Mỹ.
Bạo lực súng đạn dai dẳng tiếp tục reo rắc nỗi lo và căng thẳng đối với người dân Mỹ, nhất là trong bối cảnh cường quốc này vẫn đang gồng mình khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tình trạng lạm phát tăng vọt, cùng với hàng loạt chia rẽ và bất đồng trên chính trường.
THƯ LÊ