Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức

.

Ngày 7-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ rút khỏi nhiệm sở để phản đối nhà lãnh đạo này sau hàng loạt vụ bê bối.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đọc tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ tại số 10 phố Downing, London ngày 7-7-2022.  Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Boris Johnson đọc tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ tại số 10 phố Downing, London ngày 7-7-2022. Ảnh: Getty Images

Theo hãng tin Reuters, dù tuyên bố từ chức song ông Johnson tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền tới khi đảng Bảo thủ bầu nhà lãnh đạo mới vào mùa thu năm nay. Thời gian biểu bầu chọn lãnh đạo mới sẽ được công bố vào tuần tới.

“Tạm biệt, Boris!”

BBC dẫn lời ông Johnson trong tuyên bố từ chức nói rõ: “Với công chúng Anh, tôi biết có nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm và có lẽ cũng có một số người thất vọng. Tôi muốn mọi người biết rằng tôi buồn như thế nào khi phải từ bỏ công việc tốt nhất thế giới”.  Cuộc bầu cử lãnh đạo đảng sẽ diễn ra vào mùa hè và người chiến thắng sẽ thay thế ông Johnson trong hội nghị thường niên của đảng vào đầu tháng 10 tới.

Trước đó, theo The Guardian, trong phiên chất vấn ngày 6-7 (giờ London) tại Hạ viện Anh, hàng loạt nghị sĩ trong cuộc họp đồng thanh hô “Tạm biệt, Boris!”. Lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Keir Starmer nói rõ: “Ông Johnson trước giờ không thích hợp để đảm nhiệm chức vụ. Ông ấy phải chịu trách nhiệm về những lời nói dối, bê bối và gian lận vừa qua”.

Quyết định từ chức của Thủ tướng Johnson diễn ra sau hàng loạt diễn biến bất lợi vượt quá tầm kiểm soát của ông. Trong vòng chưa đầy 48 giờ, ít nhất 50 bộ trưởng, quốc vụ khanh và các quan chức cấp cao trong chính phủ đã đệ đơn từ chức. “Làn sóng từ chức” thể hiện việc không thể dung thứ cho loạt bê bối đeo bám ông Johnson trong nhiều tháng qua, đặc biệt là cáo buộc mở tiệc giữa lúc phong tỏa phòng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vụ lùm xùm xung quanh việc bổ nhiệm một quan chức có “hành vi sai trái” đã trở thành “giọt nước tràn ly”, khiến mức tín nhiệm của nhà lãnh đạo Anh sụt giảm nghiêm trọng.

Cùng ngày, ông Johnson bổ nhiệm nội các thay thế mới sau khi chấp nhận từ chức. Theo BBC, ông Greg Clark được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bình đẳng, Nhà ở và Cộng đồng thay thế ông Michael Gove. Bên cạnh đó, ông James Cleverly đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục mới. Ông Kit Malthouse đã trở thành Tướng quốc Lãnh địa Công quốc Lancaster, chức bộ trưởng cao cấp nhất trong Văn phòng Nội các, chỉ đứng sau Thủ tướng. Nghị sĩ xứ Wales, Robert Buckland đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xứ Wales, trong khi ông Shailesh Vara được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland.

Ông Johnson được bầu làm thủ tướng vào tháng 7-2019. Phần lớn nhiệm kỳ của ông phải đối mặt làn sóng Covid-19 với hàng loạt tác động tiêu cực. Thất bại lần này khiến kế hoạch ngoại giao của ông dang dở, trong đó có cam kết hỗ trợ Ukraine cũng như nỗ lực xử lý các mâu thuẫn liên quan đến tiến trình Brexit.

Ai sẽ thay thế?

Cuộc tranh cử lãnh đạo đảng sẽ diễn ra vào mùa hè này, qua đó sẽ lộ diện tân thủ tướng. Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng cho biết đảng Bảo thủ cần một nhà lãnh đạo mới càng sớm càng tốt.

Ông Kwarteng nói rõ: “Một người có thể xây dựng lại lòng tin, hàn gắn đất nước và đề ra cách tiếp cận kinh tế mới, hợp lý và nhất quán để hỗ trợ người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay”. Sự ra đi của ông Johnson giờ đây kích hoạt cuộc cạnh tranh để kế nhiệm ông với tư cách là lãnh đạo đảng Bảo thủ và cương vị thủ tướng. Đây là cuộc đua khó đoán định vì theo thăm dò, chưa có ai chiếm ưu thế rõ ràng.

Theo Reuters, bà Liz Truss - Ngoại trưởng Anh - hiện là “con cưng” của đảng Bảo thủ và thường xuyên đứng đầu các cuộc thăm dò ý kiến các thành viên trong đảng là một trong những ứng viên sáng giá. Cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt - người về sau ông Johnson trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng năm 2019 - cũng là gương mặt được kỳ vọng. Tờ Telegraph lại đánh giá ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ vào thời điểm này là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak - chính trị gia thường được coi là “người kế vị đương nhiên” của ông Johnson.

Bộ trưởng Tư pháp Anh và xứ Wales Suella Braverman và cựu Bộ trưởng Brexit Steve Baker cũng bày tỏ ý định tranh cử “ghế nóng”. Các chính trị gia tiềm năng khác bao gồm Bộ trưởng Y tế Sajid Javid vừa từ chức, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi mới được bổ nhiệm và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt.

Theo lịch trình, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1-2025. Song, đã có nhiều ý kiến kêu gọi tổng tuyển cử sớm để chấm dứt vai trò lãnh đạo của đảng Bảo thủ. Những xáo trộn khó lường trên chính trường Anh tiếp tục dấy lên hoài nghi về khả năng điều hành của chính phủ, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước này tiếp tục suy giảm, chủ yếu do ảnh hưởng của lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết, lạm phát hằng năm của nước này lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.