Châu Âu vẫn bí mật mua dầu Nga?

.

Khi chỉ còn 4 tháng nữa là tới thời điểm các lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu có hiệu lực, dữ liệu mới nhất của hãng tin Bloomberg cho thấy các nước nam Âu đang lặng lẽ mua vào lượng dầu thô của Nga nhiều nhất và nhanh nhất.

Một cơ sở lọc dầu tại Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Anadolu/Getty Images
Một cơ sở lọc dầu tại Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Anadolu/Getty Images

Dữ liệu theo dõi các tàu vận tải của Bloomberg trong 7 ngày (từ 30-7 đến 5-8) cho hay, lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển vào các cảng ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua, bù lại cho lượng dầu thô chuyển tới các nước Bắc Âu giảm bớt. Dù vậy, về tổng thể, lượng dầu thô xuất đi từ Nga tới các nước vùng Địa Trung Hải tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6-2022.

Lặng lẽ tăng lại

Dữ liệu trên cho thấy, lượng dầu thô Nga được vận chuyển bằng đường biển tới nay vẫn ở mức ổn định, khoảng 500.000 thùng/ngày, chỉ thấp hơn một chút so với giai đoạn đỉnh điểm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Lượng dầu xuất đi của Nga về cơ bản không thay đổi bao nhiêu so với trước thời điểm cột mốc vừa nêu. Lượng dầu thô khởi hành từ các cảng xuất đi ở Baltic và Biển Đen tới các nhà máy lọc dầu ở Ý tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần qua, trong khi lượng dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở mức lớn nhất trong 6 tuần.

Theo Business Insider, lượng dầu thô Nga được chuyển tới các đối tác mua châu Âu tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần với 1,38 triệu thùng/ngày. Tất nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức 1,85 triệu thùng/ngày trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đồng thời với đó, Moscow vẫn tiếp tục gửi khoảng 1,75 triệu thùng/ngày tới châu Á. Việc dòng dầu thô “chảy” từ Nga tới nhiều quốc gia châu Âu tăng vọt trước khi lệnh cấm vận dầu Nga có hiệu lực trong tháng 12-2022 cho thấy thách thức năng lượng mà châu lục này đang và sẽ đối mặt.

Bloomberg cũng tiết lộ việc đã có những lô hàng dù trong giấy tờ kèm theo nói không phải dầu Nga, nhưng thực sự chúng được xuất đi từ một cảng biển của Nga. Từ thực tế này, Bloomberg cho rằng, việc thực thi và giám sát trên thực tế sau khi lệnh cấm vận dầu Nga có hiệu lực chính thức là không đơn giản.
Những số liệu mới nhất được Bloomberg công bố vào đầu tháng 8 này không quá bất ngờ.

Bởi lẽ, giữa tháng 6-2022, chính hãng tin này đề cập việc dầu thô Nga bắt đầu lặng lẽ “chảy” về châu Âu như thế nào, bất chấp những tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ của các nước Liên minh châu Âu (EU). Chẳng hạn, trong tuần trước giữa tháng 6-2022, các cơ sở lọc dầu châu Âu tiếp nhận 1,84 triệu thùng dầu thô từ Nga. Đó cũng là ngày thứ 3 liên tiếp trong tuần mà châu Âu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, tăng lượng dầu nhập từ Nga.

Phương Tây nới lỏng trừng phạt Nga?

Đây là thực tế được giới quan sát, đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng nhận ra. Trang web Oilprice cho rằng, điều này một phần có lẽ vì quy mô các lệnh trừng phạt đã đạt “tới hạn”; nhưng về lý thuyết, đó không phải lý do để châu Âu phải nới lỏng sức ép với Nga. Song, trang Yahoo Finance dẫn các nguồn tin riêng cho biết, EU đã lặng lẽ nới bớt các lệnh trừng phạt áp dụng với Moscow.

Chẳng hạn, EU quyết định bổ sung thêm các điều khoản miễn trừ vào các lệnh trừng phạt Nga, ví như cho phép các nước thành viên của khối này có thể thương lượng với các thực thể của Nga bị trừng phạt như các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, điển hình là với Rosneft - tập đoàn quốc doanh lớn thứ hai về doanh thu và là hãng dầu khí lớn nhất về sản lượng tại Nga. Những điểm miễn trừ này giúp các thực thể của Nga “có thể vận chuyển lương thực, hàng hóa nông nghiệp và dầu tới các nước thứ ba bên ngoài EU”.

Trong thông cáo đăng ngày 21-7 trên trang web của Hội đồng châu Âu, liên minh này cũng bày tỏ quan điểm “EU cam kết tránh các biện pháp (trừng phạt - PV) có thể dẫn đến mất an ninh lương thực toàn cầu”. Họ khẳng định, không có biện pháp trừng phạt nào của EU với Nga liên quan xung đột tại Ukraine lại nhắm vào hoạt động giao thương của các hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm, bao gồm bột mì và phân bón, giữa các nước thứ ba và Nga. Ngày 14-7, Bộ Tài chính Mỹ cũng nói rõ các hàng hóa nông nghiệp, gồm phân bón, các thiết bị nông nghiệp và thuốc men liên quan Nga, không thuộc diện bị Mỹ trừng phạt.

Cùng với lệnh cấm vận dầu của EU, Mỹ chọn cách đặt ra mức sàn với giá dầu nhằm hạn chế nguồn thu của Nga. Đề xuất này nhận được sự hưởng ứng của Anh, Canada, Đức, Nhật, Pháp và Ý. Tuy nhiên, theo Financial Times, đánh giá mới nhất từ nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho thấy, kế hoạch áp giá trần đã không diễn ra như dự tính. Nhiều chuyên gia phân tích, những người trong ngành công nghiệp vận tải biển, và ngay cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, đều khẳng định kế hoạch áp giá trần với dầu thô Nga thực ra không hiệu quả.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.