Bất chấp kêu gọi từ Mỹ và các khách hàng lớn, nhóm OPEC+ chỉ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thêm 100.000 thùng mỗi ngày. Con số quá khiêm tốn và phần nhiều chỉ mang tính biểu tượng này được nhận định sẽ không có tác động bao nhiêu lên giá dầu thế giới.
Riyadh cho biết sẽ có giải pháp cần thiết để cân bằng thị trường nếu thiếu nguồn cung dầu mỏ. TRONG ẢNH: Một khu vực thuộc nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters |
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp đầu tiên của OPEC kể từ sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 7, và là cuộc họp thứ 6 của nhóm kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Tăng sản lượng không đáng kể
Ngày 3-8, Bộ trưởng của 13 nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của khối (bao gồm Nga) - tức nhóm OPEC+ đã có cuộc họp kín qua kết nối video. Theo đó, OPEC+ đồng ý chỉ tăng sản lượng dầu mỏ thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9-2022, tương đương 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu.
Giá dầu thô Brent - giá dầu tiêu chuẩn thế giới - tăng lên 102 USD/thùng, tăng 3 USD, sau khi OPEC công bố quyết định, dù sau đó giảm 3,4% còn 97,13 USD/thùng. OPEC giải thích, khả năng tăng thêm sản lượng của khối rất hạn chế và phải xử lý vấn đề này “vô cùng thận trọng”. Cũng theo OPEC, tình trạng thiếu đầu tư kéo dài lâu nay trong lĩnh vực dầu mỏ, đặc biệt việc tìm kiếm các mỏ dầu mới, đã làm giảm khả năng tăng thêm sản lượng.
Theo báo Guardian, trong số các nước OPEC, chỉ có Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vẫn còn có thể tăng thêm sản lượng. Thực tế, không chỉ Tổng thống Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cũng gặp Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia trong những tuần gần đây chỉ vì dầu mỏ.
Trong nhiều tháng qua, giá nhiên liệu tại Mỹ và châu Âu liên tục tăng cao do nguồn cung bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận của phương Tây với dầu, khí đốt Nga. Thực tế, việc leo thang giá cả nhiên liệu khiến các công ty kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới thu lợi nhuận cực khủng.
Lượng dầu dự trữ thấp nghiêm trọng
Cũng trong cuộc họp ngày 3-8, nhóm OPEC bày tỏ lo ngại nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ không thể đáp ứng nhu cầu sau năm 2023. OPEC cho biết, lượng dầu dự trữ khẩn cấp của 38 nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), gồm các nền kinh tế lớn nhất, hiện ở mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
OPEC cần có thêm thời gian để đánh giá khả năng giảm bớt nhu cầu năng lượng toàn cầu trước khi kêu gọi tăng sản lượng khai thác với số lượng lớn. Tháng trước, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, “lượng dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức thấp nghiêm trọng”, đặt ra nguy cơ hiện hữu với các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, khả năng tăng sản lượng của OPEC+ hiện vẫn còn hạn chế. Theo một báo cáo đánh giá độc lập, tháng 5-2022, so với mục tiêu sản xuất khoảng 42 triệu thùng dầu một ngày, OPEC+ vẫn còn thiếu gần 3 triệu thùng. Nguyên nhân chủ yếu vì ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt với Nga và các hạn chế lâu nay về sản lượng ở các nước như Nigeria, Angola và một số nước khác. Ngay cả với Saudi Arabia, dù còn có thể tăng thêm sản lượng nhưng “ông lớn” dầu mỏ này cũng đang “tiệm cận” với mức tối đa có thể cung cấp. Riyadh đang “bơm” khoảng 10,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, nếu có tăng thêm nữa cũng sẽ chỉ vươn lên mức 11 triệu thùng hoặc 12 triệu thùng là “hết nấc”.
Dù trong tháng 6, các nước OPEC+ nhất trí tăng sản lượng thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và 8, nhưng theo khảo sát tuần này của hãng tin Reuters, nhiều nước không thể thực hiện đúng như cam kết. Các nước OPEC sẽ còn tiếp tục điều phối về sản lượng dầu ít nhất cho tới cuối năm nay.
Quyết định tăng thêm sản lượng dầu của OPEC+ được công bố một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden chấp thuận các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Saudi Arabia và UAE. Giá nhiên liệu đang là sức ép lớn với ông Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby, nói việc đồng ý bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE không liên quan gì tới các kế hoạch sản xuất dầu của OPEC.
Ngày 3-8, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước đánh thuế lợi nhuận với những tập đoàn dầu khí. Ông Guterres chỉ trích các công ty dầu khí kiếm lời kỷ lục từ cuộc khủng hoảng năng lượng trên lưng những người nghèo nhất và cộng đồng nghèo nhất, cũng như cái giá phải trả quá lớn về khí hậu.
LÂM PHONG