Hai vụ nổ xảy ra sau các sự cố rò rỉ khí đốt ở hai hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga tới châu Âu trong tuần này đặt ra nhiều lo ngại về an ninh năng lượng của “lục địa già”.
Đường ống của Nord Stream 2 được lắp đặt dưới đáy biển Baltic vào năm 2018. Ảnh: Getty Images |
Sự cố rò rỉ khí đốt xảy ra với đường ống Nord Stream 1 (hoạt động từ năm 2011) và Nord Stream 2 (chưa hoạt động chính thức) khiến châu Âu đặc biệt lo lắng khi mùa đông sắp tới trong khi châu lục này vẫn đang chật vật ứng phó với khủng hoảng năng lượng nảy sinh từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Chưa rõ nguyên nhân
Các nhà địa chấn học ở bán đảo Scandinavia báo cáo các vụ nổ trên biển Baltic, gần đảo Bornhom của Đan Mạch ngày 27-9 (giờ địa phương). Quân đội Đan Mạch công bố video ghi lại hình ảnh sự cố rò trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Cũng trong khoảng thời gian đó, công ty chủ quản Nord Stream cũng ghi nhận tình trạng giảm áp suất bên trong cả hai đường ống của họ, xác nhận sự cố xảy ra do một hư hỏng vật lý. Cả Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều đang ở trạng thái không hoạt động vào lúc đó.
Ngày 27-9, Điện Kremlin cho biết, Nga hết sức lo ngại về “tình huống phi tiền lệ” này. Moscow cho rằng, cho tới khi có thể điều tra rõ ràng nguyên nhân, họ sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào, kể cả việc đó có thể là hành động phá hoại.
Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ có một phản ứng “mạnh mẽ” đối với tình trạng gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng sau vụ rò rỉ khí đốt. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và liên minh này sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho rằng các vết rò rỉ là hậu quả của hành vi phá hoại. Trong khi đó, Washington cho biết đang xem xét các báo cáo về vụ tấn công hay phá hoại; đồng thời cam kết hỗ trợ châu Âu trong việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Ngày 28-9, Moscow mở cuộc điều tra sau khi phát hiện các hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt gần đảo Bornholm trên biển Baltic, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho nước này; đồng thời hoan nghênh cuộc điều tra chung với EU về sự việc nếu được yêu cầu. Theo đề nghị của Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức phiên họp khẩn liên quan đến các vụ rò rỉ khí đốt nghiêm trọng ngày 30-9.
Sẽ mất nhiều năm sửa chữa
Hai hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt nói trên là nguyên nhân chính gây ra các căng thẳng địa chính trị trong những tháng qua giữa Nga và EU. Moscow đã giảm dần nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi EU áp đặt nhiều gói trừng phạt với họ. Từ tổng mức 170 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, Nga cắt giảm xuống còn khoảng 20% và sau đó thì dừng luôn việc cấp khí đốt cho châu Âu. Trước đó, Nord Stream 1 là hệ thống cung cấp khí đốt chính của Nga cho Đức, bảo đảm cung cấp hơn một nửa lượng tiêu thụ khí đốt hằng năm cho nước này và một số nước khác. Nord Stream 1 dài khoảng 760 dặm (1.223km) và chủ yếu đi ngầm dưới biển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi châu Âu dỡ bỏ trừng phạt với Nord Stream 2 để tiếp tục cung cấp khí đốt cho EU. Nếu Nord Stream 2 được đi vào hoạt động, nó sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga xuất sang châu Âu lên 110 tỷ m3 nhưng dự án này đã bị hủy bất chấp việc đã hoàn thành và chỉ còn chờ bấm nút hoạt động.
Ngày 28-9, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch cho biết, có thể mất tới 2 tuần để điều tra về sự cố rò rỉ khí của Nord Stream. Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích của Nga, từ kinh nghiệm của họ với các sự cố từng xảy ra, việc sửa chữa có thể mất nhiều năm.
Báo Tagesspiegel cho biết, chính quyền Đức lo ngại, cả Nord Stream 1 và 2 sẽ vĩnh viễn dừng hoạt động. Khả năng khắc phục lúc này sẽ phụ thuộc vào việc lượng nước biển đã thâm nhập vào đường ống ra sao và sẽ ăn mòn bên trong như thế nào. Theo các chuyên gia môi trường, sự cố rò rỉ hàng trăm nghìn tấn methane từ đường ống Nord Stream có thể là vụ phát thải khí nhà kính lớn nhất được ghi nhận đến nay.
LÂM PHONG