Ngày 15-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại thành phố Samarkand (Uzbekistan). Cuộc gặp tại nơi từng thuộc Con đường tơ lụa năm xưa này được nhiều nước ở Trung Á, châu Âu và Washington DC chăm chú theo dõi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa phải) gặp nhau tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) ngày 15-9 bên lề hội nghị thượng đỉnh CSO. Ảnh: Reuters |
Đây cũng là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa ông Putin và ông Tập kể từ tháng 2, thời điểm khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Khi đó hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung khẳng định mối quan hệ hữu nghị “không giới hạn” giữa hai nước.
Tại cuộc gặp, đúng như dự đoán của truyền thông, hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận và bày tỏ quan điểm về tình hình quốc tế, các vấn đề khu vực và hợp tác song phương, trong đó có vấn đề Ukraine và Đài Loan (Trung Quốc) và cách thức làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Putin: “Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc khi đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chúng tôi hiểu mọi câu hỏi và mối quan tâm của Bắc Kinh về sự việc này. Trong cuộc gặp hôm nay, tất nhiên chúng tôi sẽ giải thích thêm quan điểm của mình”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ kiên quyết tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Tổng thống Putin cũng kêu gọi củng cố vị thế của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trên toàn cầu, lên án “những toan tính tạo ra trật tự thế giới đơn cực” và cho rằng cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm quan hệ đối tác Nga - Trung ngày càng mạnh mẽ.
Điện Kremlin ca ngợi tầm quan trọng của cuộc gặp ở Samarkand. Trang Euronews dẫn phát biểu của ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, nói với báo giới nhấn mạnh: “Cuộc gặp mang ý nghĩa đặc biệt nếu nhìn vào bối cảnh thế giới hiện nay”.
Giới quan sát cho rằng, bên cạnh mục tiêu tiếp tục củng cố vị thế tại Trung Á, Moscow cũng mong muốn thông qua CSO để tìm kiếm thêm các thị trường mới, đặc biệt là thị trường cho xuất khẩu năng lượng, cũng như các nhà cung cấp mới cho những mặt hàng họ không còn nhập được từ EU. Trong bối cảnh châu Âu quay lưng với dầu và khí đốt của Nga, ông Putin chủ trương thúc đẩy xuất khẩu năng lượng tới Trung Quốc và châu Á, có thể với một hệ thống ống dẫn qua Mông Cổ. Đây là lý do mà bên lề CSO sẽ có một hội nghị ba bên gồm các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Mông Cổ.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, với chuyến công du Trung Á, ông Tập Cận Bình muốn khẳng định sự tự tin và vị thế vững chắc của ông không chỉ ở trong nước mà còn ở tầm quốc tế. Điều này hẳn nhiên có ý nghĩa lớn trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra ngày 16-10.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong khi ông Tập đã gặp trực tiếp ông Putin 38 lần kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc năm 2013, nhưng tới nay ông vẫn chưa gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2021. Hội nghị thượng đỉnh song phương tại Samarkand cũng là cuộc gặp đầu tiên của ông Tập và ông Putin kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hẳn nhiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình là sự kiện cho thấy mối quan hệ gần gũi đang tăng tiến tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Moscow, song địa điểm của cuộc gặp cũng nhắc nhớ về nhiều phương diện hai nước lớn này cũng đang ở thế cạnh tranh. Tại Trung Á, Trung Quốc đã và đang nỗ lực để mở rộng sự hiện diện tại các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ, cũng là những nước mà Nga coi như thuộc vùng ảnh hưởng của mình.
Trong hai bài viết công bố trước chuyến công du gửi đến truyền thông của Kazakhstan và Uzbekistan, ông Tập nhấn mạnh các mối quan hệ lịch sử của Trung Quốc với hai nước này, thể hiện Bắc Kinh như một nhà tài trợ hào phóng và một cường quốc đáng tin cậy trong khu vực.
Ông Tập nhấn mạnh các dự án đầu tư của Trung Quốc vào hệ thống đường ống, điện gió, lọc dầu và sản xuất xe hơi tại Kazkhstan, cũng như dây chuyền sản xuất chung vắc-xin phòng Covid-19 của Trung Quốc tại Uzbekistan.
Hải quân Nga, Trung Quốc tuần tra chung ở Thái Bình Dương Ngày 15-9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng hải quân của nước này và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tuần tra chung trên Thái Bình Dương. Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga trên Telegram cho biết: “Tàu chiến Nga và Trung Quốc đang tiến hành cơ động chiến thuật hiệp đồng, diễn tập trực thăng và bắn đạn thật trên Thái Bình Dương. Các nhiệm vụ tuần tra chung này liên quan tới việc củng cố hợp tác hải quân song phương, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giám sát đường bờ biển và bảo vệ các khu vực kinh tế hàng hải của Nga và Trung Quốc”. |
LÂM PHONG