Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ba thập kỷ trôi qua, bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu có những biến động khó lường. Cái gọi là trật tự thế giới “đơn cực” dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo đang ngày càng suy giảm nhanh chóng.
Toàn cầu hóa dường như cho thấy những bất cập, nhất là các chuỗi cung ứng kinh tế và năng lượng bị gián đoạn, và cuộc suy thoái toàn cầu là không thể loại trừ. Covid-19 khiến kinh tế thế giới và sự gắn kết xã hội rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có.
Đặc biệt, hàng loạt biến động địa chính trị, nhất là khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, đến thời điểm này, nhiều nhận định của các chính khách cho thấy, kỷ nguyên đơn cực bắt đầu lùi vào dĩ vãng. Middleeasteye.net dẫn lời ông Marco Carnelos, cựu nhà ngoại giao Ý cho rằng, sau Chiến tranh Lạnh, thế giới dường như hướng tới kỷ nguyên lạc quan, tiến bộ và thịnh vượng. Toàn cầu hóa tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến chiến tranh trở thành xu hướng lỗi thời. Tuy nhiên, lịch sử đã diễn ra theo cách khác. Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, các cuộc xung đột kéo dài ở Iraq và Afghanistan, cùng với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tạo ra một thế giới mới.
Theo CNN, ngày 17-6, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mạnh mẽ về vai trò mới của Nga. Ông Putin đề cập tới việc Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh nhưng giờ đây “kỷ nguyên của thế giới đơn cực” đã kết thúc.
Ông Putin cho biết, Nga đang bước vào trật tự toàn cầu mới với tư cách là “quốc gia hùng mạnh và hiện đại”. Nhà lãnh đạo Nga nhận định, các quy tắc của trật tự toàn cầu mới sẽ được đặt ra bởi “các quốc gia mạnh và có chủ quyền”. Trong khi đó, các nước phương Tây đã tiến hành hơn 10.000 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nhưng mặt trái của nó tác động đến các nền kinh tế hàng đầu của phương Tây do khủng hoảng năng lượng, lương thực và thực phẩm… và gây biến động thị trường tài chính, tiền tệ. Theo RT, ngày 24-7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, xung đột Nga-Ukraine có thể chấm dứt sự thống trị của phương Tây và thay đổi cán cân quyền lực thế giới. Quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow và cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev đã biến Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành những bên tham gia vào xung đột nhưng cuối cùng không mang lại kết quả gì.
Ông Orban nhấn mạnh, nhiệm vụ của EU không phải là đứng về bên nào, mà phải đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Bloomberg cho biết, Ngân hàng trung ương của các nước phương Tây đang tăng lãi suất nhằm “hãm phanh” lạm phát, khiến thị trường trái phiếu chính phủ sụp đổ. Bank of America nhận định: “Các thị trường trái phiếu chính phủ toàn cầu đang ở trong tình trạng hoạt động tồi tệ nhất kể từ năm 1949”. Trong khuôn khổ Hội nghị Giám đốc điều hành toàn cầu của Forbes ngày 27-9 tại Singapore, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết: “Bây giờ, một logic khác đang diễn ra... giai đoạn hoàng kim của toàn cầu hóa được ghi nhận trong 30 năm qua từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc rõ ràng đã chấm dứt. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới được đánh dấu bởi cạnh tranh địa chính trị lớn hơn”.
Vậy kỷ nguyên mới là gì, và có sự xuất hiện lưỡng cực mới ở đâu, quốc gia nào làm đầu tàu? Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhận định: Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, phương Đông có thể sánh “ngang hàng” với phương Tây, khi sự thống trị toàn cầu của Mỹ và các đồng minh đang suy giảm. Ông lý giải: “Chúng ta đang đi đến giai đoạn cuối của sự thống trị chính trị và kinh tế của phương Tây. Thế giới sẽ ít nhất là lưỡng cực và có thể là đa cực”. Trung Quốc - siêu cường thứ hai trên thế giới - sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với phương Tây. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Michel Duclos, thuộc Viện Montaigne (Pháp) cho rằng: “Giờ đây, Mỹ phải đối mặt với cả Trung Quốc rất mạnh và một nước Nga mạnh mẽ”.
TUYẾT MINH