Ngày 11-10, các nhà đàm phán của Liban và Israel cho biết hai nước đã nhận được bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận phân định ranh giới trên biển do Mỹ làm trung gian, thỏa mãn tất cả các điều kiện của hai bên và khả năng sẽ dẫn đến thỏa thuận lịch sử.
Hình ảnh trích từ video giàn khoan của mỏ khí đốt Karish ở ngoài khơi Địa Trung Hải vốn đang tranh chấp giữa Israel và Liban. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau khi nhận được dự thảo đề xuất của nhà trung gian hòa giải Mỹ Amos Hochstein tối 10-10, Trưởng đoàn đàm phán Liban Elias Bou Saab nhận định: “Nếu mọi thứ suôn sẻ, nỗ lực của ông Amos Hochstein có thể sẽ dẫn đến một thỏa thuận lịch sử”. Quan chức này lưu ý dự thảo đề cập đến tất cả các yêu cầu của phía Liban, đồng thời tin rằng phía Israel cũng có cảm nhận tương tự.
Ông Bou Saab đã trình dự thảo mới nhất lên Tổng thống Liban Michel Aoun. Trưởng đoàn đàm phán Liban cho biết thỏa thuận cuối cùng vẫn cần được Tổng thống Liban thông qua và ông Michel Aoun dự kiến đưa ra ý kiến phản hồi vào cuối ngày 11-10.
Về phần mình, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán Israel Eyal Hulata cho biết bản dự thảo đã được điều chỉnh phù hợp với đề xuất, cũng như yêu cầu của chính quyền Israel. Ông cũng cho rằng hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận lịch sử.
Israel dự kiến tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 1-11 tới. Hiện chưa rõ thỏa thuận trên có cần được Quốc hội thông qua hay không.
Đề xuất do nhà trung gian hòa giải Mỹ Amos Hochstein nêu ra nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan đến các mỏ khí ngoài khơi 2 nước. Ông Hochstein thời gian qua đã có các hoạt động ngoại giao con thoi giữa Liban và Israel.
Liban và Israel không có quan hệ ngoại giao, việc tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của Liên hợp quốc (LHQ) đảm nhiệm. Biên giới hàng hải phía Bắc mà Israel tuyên bố chủ quyền chồng lên biên giới phía Nam của Liban, tạo ra tranh chấp giữa hai nước. Năm 2020, Israel và Liban đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và LHQ, song những cuộc đàm phán đã nhanh chóng lâm vào bế tắc liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel tuyên bố quyền khai thác.
Theo TTXVN