Ngay sau vụ nổ cầu Crimea mà Nga cáo buộc là do Ukraine dàn dựng, Moscow thực hiện vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, truyền thông và quân sự của nước láng giềng như đòn đáp trả cứng rắn. Động thái mới nhất của Moscow thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cho thấy triển vọng về hòa đàm vẫn còn mờ mịt.
Lực lượng chức năng Ukraine xử lý hiện trường vụ nổ ở Kiev ngày 10-10. Ảnh: Getty images |
Truyền thông Ukraine và Nga đều đưa tin về việc Moscow thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí dẫn đường chính xác từ trên không, trên biển và trên mặt đất vào các cơ sở nói trên của Ukraine. Đây là vụ tấn công tên lửa trên diện rộng nhất từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Các cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại
Theo TASS (Nga), ngày 10-10, một loạt vụ nổ lớn xảy ra ở Kiev và một số khu vực khác của Ukraine, bao gồm các vùng Dnepropetrovsk, Odessa, Ivano-Frankovsk và Kharkov. RT (Nga) cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận về việc lực lượng của nước này tiến hành loạt vụ nổ này, và bác bỏ nhận định của phương Tây về việc chúng nhằm vào dân thường. Người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo, nếu Ukraine tiếp tục thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Nga” thì Moscow sẽ thực thi đòn đáp trả tương ứng.
Theo Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal, tổng cộng 11 cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này bị hư hại và một số khu vực bị mất điện. Theo Svetlana Vodolaga, phát ngôn viên Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết, vài người đã thiệt mạng và bị thương trong các vụ nổ ở Kiev. Ngay sau vụ việc, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tuyên bố về mối đe dọa đối với hạ tầng năng lượng toàn quốc. Nguồn điện và nước bị gián đoạn ở một số vùng, bao gồm cả vùng Poltava và Lvov.
Do tác động của loạt vụ nổ, Bộ Năng lượng Ukraine thông báo: “Các cuộc tấn công ảnh hưởng đến hệ thống nhiệt điện và trạm biến áp, buộc Ukraine phải ngừng xuất khẩu điện sang EU từ ngày 11-10 để ổn định hệ thống năng lượng”. Nhiều tổ chức nhân đạo cũng tạm ngừng hoạt động ở Ukraine vì lý do an toàn. Tất cả các trường học ở nước này chuyển sang hình thức học trực tuyến cho đến cuối tuần này. Đến nay, hệ thống tàu điện ngầm Kiev và dịch vụ xe lửa ở Ukraine được khôi phục.
Phản ứng rõ ràng của các bên
Ngay sau sự vụ nói trên, các nước phương Tây đồng loạt thể hiện rõ lập trường trong xung đột Nga-Ukraine. Ngày 10-10, Tổng thống Zelensky điện đàm với các nhà lãnh đạo các nước Mỹ, Đức, Anh, Canada và Pháp. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết gói hỗ trợ Ukraine với hệ thống phòng không tiên tiến. Tương tự, Đức hứa hẹn huy động viện trợ bổ sung và giúp sửa chữa, khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và bị phá hủy, như cung cấp điện và sưởi ấm ở Ukraine. Trong khi đó, ngày 11-10, lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổng thống Ukraine họp trực tuyến khẩn cấp về diễn biến mới trong cuộc xung đột. Nhiều khả năng, các bên cùng thảo luận về cam kết kiên định trong việc hỗ trợ Kiev.
Theo RIA Novosti, trước lo ngại xung đột tiếp tục leo lên các nấc thang mới, ngày 11-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ, Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào các nước khác nhưng để ngỏ các biện pháp đáp trả phù hợp trước sự can dự gia tăng của Mỹ và các nước châu Âu vào xung đột ở Ukraine. Về vấn đề này, ngày 10-10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nêu rõ, Washington và các đồng minh đang tiến gần “lằn ranh đỏ” khi tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Diễn biến đáng chú ý khác là căng thẳng cũng gia tăng ở khu vực biên giới giữa Ukraine và Belarus- đồng minh thân thiết của Nga. Ukraine đang tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Belarus và xây dựng thêm công sự. Các lực lượng bổ sung đang được điều đến khu vực biên giới với Belarus, đồng thời tăng cường thành phần hỏa lực. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biên phòng Quốc gia Ukraine, ông Serhiy Serdyuk cho biết, nước này đang tăng cường khả năng để đẩy lùi cuộc tấn công có thể xảy ra từ Belarus. Trong khi đó, RT dẫn tuyên bố của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 10-10 cho biết: “Để đối phó với tình hình nghiêm trọng ở biên giới phía tây của Nga và Belarus, hai nước nhất trí triển khai lực lượng quân sự chung đến khu vực”; đồng thời tiết lộ lực lượng này có số lượng “vài nghìn quân”. TASS dẫn nhận định của Ủy ban An ninh Belarus cho biết, chiến dịch quân sự của Nga sẽ đến giai đoạn then chốt từ giữa tháng 11-2022 đến 2-2023. Theo Tổ chức Di trú quốc tế, hơn 7,6 triệu người Ukraine rời bỏ đất nước sang lánh nạn ở các nước EU từ khi xảy ra xung đột và số người phải đi sơ tán sẽ gia tăng, chủ yếu ở trong nước.
Ngày 11-10, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed thăm Nga và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Putin. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy “các giải pháp chính trị hiệu quả” cho xung đột Nga-Ukraine. UAE đang tìm cách đạt kết quả tích cực nhằm giảm leo thang quân sự và hậu quả về nhân đạo cũng như đạt thỏa thuận chính trị; đồng thời kêu gọi giải quyết xung đột thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế. |
THƯ LÊ