Nhìn lại thị trường toàn cầu quý 3-2022: Sóng gió nhấn chìm kỳ vọng

.

Nếu bất cứ nhà đầu tư nào nghĩ rằng phần còn lại của năm 2022 không thể tồi tệ hơn giai đoạn nửa đầu năm, thì những diễn biến của quý 3 vừa qua chắc chắn chứng minh họ đã sai.

Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những bất ổn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu

Chỉ trong vài tháng, thị trường chứng khoán thế giới lại mất thêm 9.000 tỷ USD, trong khi giá dầu giảm hơn 20%, trái phiếu ghi nhận mức lao dốc lịch sử, chiến sự tại Ukraine diễn biến phức tạp hơn và tình hình tại các nước Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tồi tệ đến mức Chính phủ Nhật Bản và Anh đã phải vào cuộc trong những tuần gần đây.

Với việc các ngân hàng trung ương đang đua nhau tăng lãi suất đi vay để kiểm soát lạm phát, thế giới đã chứng kiến gần 300 đợt tăng lãi suất khác nhau trong năm qua. Có vẻ như thời kỳ tươi đẹp - nơi thị trường phục hồi khi các nền kinh tế ổn định ở mức độ thích hợp - đã kết thúc.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America (BoA) cho biết cú sốc lạm phát gây ra cú sốc lãi suất, rồi cú sốc lãi suất hiện đe dọa gây ra cú sốc suy thoái và tín dụng.

Theo BoA, giai đoạn hòa bình, toàn cầu hóa và kiếm tiền dễ dàng đang biến mất và bị thay thế bởi giai đoạn lạm phát phi mã đi kèm bất ổn gia tăng, chủ nghĩa dân tộc lên cao, chính sách tài khóa hoảng loạn, xu hướng thắt chặt chương trình định lượng, lãi suất cao và thuế tăng.

BoA ước tính mức thua lỗ hơn 20% mà giới đầu tư trái phiếu chính phủ phải gánh chịu trong năm qua hiện ngang bằng với mức ghi nhận hồi những năm 1920 và 1949 (sau Thế chiến I và II), cũng như thời kỳ Đại suy thoái vào năm 1931. Sự sụp đổ cùng lúc trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu đồng nghĩa giá trị vốn hóa của thị trường toàn cầu đã giảm hơn 46.000 tỷ USD.

Một điểm sáng hiếm hoi của quý này là việc chỉ số chứng khoán thế giới bao gồm 47 quốc gia của MSCI đã tăng 10% trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến giữa tháng Tám. Nhưng “quả cầu sắt” mang tên “Fed mạnh tay tăng lãi suất” đã trở lại và chỉ số trên đã mất 15% kể từ thời điểm đó. Với mức giảm hai con số như vậy, chỉ số của MSCI đã mất tới 25% và 18.000 tỷ USD giá trị vốn hóa tính từ đầu năm đến nay.

Theo ước tính của ngân hàng JPMorgan, 70 tỷ USD đã “chảy” khỏi quỹ trái phiếu định giá bằng đồng ngoại tệ của các thị trường mới nổi tình từ đầu năm. Ngân hàng Morgan Stanley cũng cho biết chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi của MSCI sẽ có quý thua lỗ thứ năm liên tiếp và hướng đến giai đoạn thị trường thế giảm dài nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, sự suy giảm của thị trường Phố Wall (tình trạng thị trường gấu – bear market) hiện đã kéo dài 268 ngày và ghi nhận mức giảm từ đỉnh đến đáy khoảng 24%. Tuy nhiên, con số này vẫn còn tương đối ngắn và nông so với những đợt giảm trong quá khứ.

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn tài chính Yardeni Research, kể từ năm 1950, thị trường xu thế giảm của Mỹ kéo dài trung bình 391 ngày với mức giảm từ đỉnh đến đáy hơn 35%. Hiện một loạt ngân hàng, từ BoA đến Goldman Sachs đang cảnh báo về khả năng đợt tăng giá mùa Giáng sinh thường đến vào cuối năm sẽ không thể diễn ra trong năm nay.

Giá dầu kéo dài đà giảm

Trên thị trường hàng hóa, những dự báo về suy thoái ngày một lớn, cùng với việc các quốc gia phương Tây lên kế hoạch ngừng mua dầu của Nga đã khiến giá dầu Brent giảm 20% sau khi tăng mạnh hồi đầu năm.

Theo ông Troy Vincent, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty tư vấn tài chính DTN, việc giá dầu giảm trong quý này chủ yếu phản ánh sự kết hợp của năm yếu tố. Đó là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero ” nghiêm ngặt, các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Nga nhanh như mong đợi, nhu cầu nhiên liệu tinh chế giảm sâu hơn dự kiến trong bối cảnh giá cả leo thang, lạm phát ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, và sức mạnh đồng USD.

Chuyên gia Vincent cho rằng khả năng giá dầu tăng vẫn còn rất lớn và còn nhiều yếu tố có thể khiến giá dầu tăng cao hơn trong mùa Đông này. Tuy nhiên trong thực tế, bất chấp việc thị trường biết về khả năng tăng giá dầu đi lên, “vàng đen” vẫn giảm trong suốt mùa Hè từ trước khi những ảnh hưởng từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ xuất hiện.

Triển vọng nhu cầu dầu thô hiện không nhận được bất kỳ trợ lực nào từ các số liệu kinh tế hoặc báo cáo của công ty. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ có một cuộc họp tương đối suôn sẻ vào tuần tới, nhưng giá dầu sẽ không tăng cho đến khi giới giao dịch tin rằng sản lượng sẽ giảm mạnh ở mức khoảng 1 triệu thùng-ngày.

Vàng không “lấp lánh”

Tính chung trong tuần kết thúc vào ngày 30-9, giá vàng đã tăng 1%. Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn mất 3,1% trong tháng 9-2022 – đánh dấu chuỗi giảm sáu tháng liên tiếp. Theo công ty theo dõi dữ liệu thị trường Dow Jones Market Data, đây là chuỗi giảm theo tháng dài nhất đối với vàng trong vòng bốn năm qua.

Ông Jason Teed, đồng quản lý danh mục đầu tư của quỹ giao dịch vàng Gold Bullion Strategy Fund cho biết sự sụt giảm của vàng trong tháng Chín và quý 3-2022 chủ yếu liên quan đến sức mạnh của đồng USD.

Trong quý vừa kết thúc vào tháng 9-2022, giá vàng đã mất gần 8%. Vào cùng giai đoạn, Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác –  lại tăng 7,5%.

Đồng bạc xanh tăng mạnh chủ yếu do lạm phát phi mã và Fed có thể tăng lãi suất cao hơn so với các nước phát triển khác trong nỗ lực kiềm chế giá. Ông Teed cho rằng những diễn biến đó đang giúp đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Theo chuyên gia của Gold Bullion Strategy Fund, hiện rất khó đánh giá triển vọng của vàng. Ông nhấn mạnh, vàng sẽ chưa bắt đầu phục hồi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức Fed có thể chấp nhận và ngừng điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, kịch bản đó sẽ chưa thể thành hiện thực trong nhiều tháng nữa.

Sự vượt trội của đồng USD

Nơi duy nhất thực sự thu hút giới đầu tư trong quý này và từ trước đó là đồng USD.

Đồng bạc xanh đã tăng thêm 7% trong quý kết thúc vào tháng Chín, đưa mức tăng của USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới lên 17% tính từ đầu năm tới nay. So với đồng yen Nhật và bảng Anh, mức tăng này thậm chí còn lớn hơn – lần lượt là 20% và 18%. Diễn biến đó cũng đưa những đồng tiền này hướng đến mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1979 đối với yen và 2008 đối với bảng Anh.

Trên thị trường tiền điện tử, mức định giá tổng thể đã giảm từ 2.200 tỷ USD xuống 940 tỷ USD vào thời điểm hiện tại của năm 2022, mặc dù bitcoin không nới rộng mức giảm 60% so với đỉnh hồi đầu năm trong quý này. Đồng ether thậm chí nhận được một số lực đẩy từ bản nâng cấp phần mềm thân thiện hơn với môi trường.

Bất ngờ là không có đồng tiền thuộc các thị trường mới nối đáng chú ý nào tăng giá trong quý này. Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm 7% xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi một số đồng tiền tại các quốc gia Đông Âu đã giảm thêm 10% khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.

Bản thân Ukraine đã rơi vào tình trạng vỡ nợ tương tự như Sri Lanka. Hiện thị trường tiền tệ và trái phiếu đều lo ngại rằng Ghana và Pakistan sẽ là những nước tiếp theo rơi vào khủng hoảng nợ như vậy.

Theo giới quan sát, nguyên nhân sau cùng của tất cả những diễn biến ảm đạm này đều do lãi suất và lạm phát đang tăng vọt. Họ khuyến nghị giới đầu tư nên chuẩn bị trước cho một giai đoạn nhiều sóng gió và bất ổn sắp tới, sau một quý 3 nhiều biến động thất thường.-.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.