Bước tiến lớn của công nghiệp vũ trụ năm 2022

.

Trong khi ngành hàng không dân dụng chịu thiệt hại lớn trong suốt thời gian Covid-19 bùng phát và đang từng bước hồi phục thì nền công nghiệp vũ trụ thế giới lại tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Tàu Thần Châu 14 hạ cánh xuống khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc tối 4-12, đưa các phi hành gia trở về trái đất an toàn. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tàu Thần Châu 14 hạ cánh xuống khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc tối 4-12, đưa các phi hành gia trở về trái đất an toàn. Ảnh: Tân Hoa Xã

Năm 2022, ngành công nghiệp vũ trụ đạt được những cột mốc quan trọng chưa từng có trong nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ chinh phục không gian của con người.

Những dấu ấn nổi bật

Ngành công nghiệp vũ trụ bước vào giai đoạn mà Giám đốc điều hành của Space Foundation Tom Zelibor gọi là “kỷ nguyên của khả năng tiếp cận và cơ hội”. Một điểm nhấn đặc biệt trong năm 2022 là sự phát triển chưa từng thấy trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại.

Theo thespacereport.org, năm 2022, ngành công nghiệp vũ trụ mở rộng quy mô giá trị gần 500 tỷ USD với lượng lao động ước tính khoảng 400.000 người. Ngay từ tháng 1-2022, khoảng 90 nước có những hoạt động liên quan tới ngành công nghiệp vũ trụ. Đáng chú ý, ít nhất 8 quốc gia có khả năng phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo một cách ổn định, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Israel và Nhật Bản. Trong năm nay, ít nhất 16 phương tiện phóng mới ra mắt lần đầu tiên, dẫn đầu là tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA trong sứ mệnh trở lại mặt trăng tháng 11-2022. Ngoài ra, ít nhất 10 công ty tham gia cuộc đua thương mại vũ trụ, tăng gấp đôi số lượng các công ty có khả năng phóng vệ tinh và tàu vũ trụ vào quỹ đạo.

Năm nay chứng kiến sự tham gia tích cực của hàng loạt công ty tư nhân trong ngành công nghiệp vũ trụ. “Các công ty nhận ra ngành công nghiệp vũ trụ có thể vượt qua cả ranh giới khám phá khoa học và có thể đem lại lợi nhuận kinh tế. Đó chính là bước ngoặt của khái niệm nền kinh tế vũ trụ mới”, ông Angel Abdud Madrid, Giám đốc Trung tâm Nguồn lực không gian cho biết.

Một trong những dịch vụ mũi nhọn của ngành công nghiệp vũ trụ chính là phóng vệ tinh cỡ nhỏ vốn phục vụ cho dịch vụ kết nối băng thông rộng và Internet vạn vật (IoT). Có khoảng vài chục công ty khởi nghiệp đã chi hàng chục tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vào dịch vụ này.

Theo Dịch vụ thông tin nghiên cứu và phát triển cộng đồng (CORDIS), thị trường vệ tinh nhỏ đang bùng nổ khi nhu cầu đang tăng lên từng ngày. Thực tế, các vệ tinh nhỏ có giá thành rẻ hơn và lịch trình ra mắt cũng ngắn hơn nhiều so với các vệ tinh cỡ lớn. Đáng chú ý, bình nhiên liệu làm bằng sợi carbon giúp các vệ tinh nhỏ giành được lợi thế cạnh tranh nhờ giảm chi phí, trọng lượng và lượng khí thải carbon ra môi trường. Nhằm mục đích phóng một loại vệ tinh rất nhỏ mới lên quỹ đạo, Công ty dịch vụ phóng quỹ đạo Orbex (Anh) đã phát triển một trong những phương tiện phóng vi mô hiệu suất cao, ít carbon, tiên tiến nhất trên thế giới. Với khả năng chịu tải trọng 180kg, phương tiện phóng siêu nhỏ giúp loại bỏ các vấn đề về trình chiếu và giảm thiểu chi phí phóng chuyên dụng cho các nhà khai thác vệ tinh nhỏ; đồng thời cung cấp sự linh hoạt hơn trong việc lập lịch trình.

Cuộc đua chinh phục không gian

Việc các nước tăng nguồn đầu tư đang mang lại nhiều đột phá và tăng mức độ cạnh tranh trong cuộc đua không gian. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đạt những bước tiến quan trọng trong nỗ lực rút ngắn khoảng cách với Mỹ về khả năng khám phá vũ trụ.

Có thể nhận thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hướng đến mặt trăng. Sau gần nửa thế kỷ kể từ sau chuyến bay Apollo cuối cùng vào năm 1972, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khởi động thành công chương trình đưa các phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2025. Trong khi đó, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng ấp ủ dự định đưa các phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030. Sứ mệnh chinh phục mặt trăng có thể được xem là “bàn đạp” quan trọng để con người có thể đặt chân lên sao Hỏa và khám phá những khoảng không gian huyền bí xa xôi hơn.

Đêm 4-12, tàu Thần Châu 14 của Trung Quốc cùng ba phi hành gia đã trở về Trái đất an toàn sau sáu tháng trên vũ trụ. Tàu Thần Châu 14 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc nước này ngày 5-6 với sứ mệnh tham gia xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung theo cấu trúc 3 module cơ bản, bao gồm module lõi Thiên Hòa đang quay quanh Trái đất và các module Vấn Thiên và Mộng Thiên. Hôm 29-11, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 15 đưa 3 phi hành gia lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh cuối trong việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây là sứ mệnh phóng thứ 6 trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc trong năm nay và là chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc ở quỹ đạo của trái đất.

Các chuyên gia kêu gọi các nhà lãnh đạo xác định các vệ tinh và tàu vũ trụ là “cơ sở hạ tầng quan trọng” và cần đạt thỏa thuận nhằm hạn chế các mảnh vỡ không gian và đặt ra các quy tắc về hành vi của các quốc gia trên quỹ đạo. Theo Citigroup, ngành công nghiệp vũ trụ sẽ đạt doanh thu hằng năm khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2040, với chi phí phóng vệ tinh và tàu vũ trụ giảm 95%. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.