Lạm phát toàn cầu đã chạm đỉnh?

.

Theo nhiều chuyên gia, tổ chức uy tín quốc tế, những chỉ số chính yếu thời gian qua cho thấy mức lạm phát toàn cầu có tín hiệu chạm đỉnh sau khi có lúc vọt lên tới mức 2 chữ số.

Lạm phát toàn cầu có thể đã chạm đỉnh và bắt đầu đảo chiều.  TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở Glenview, Illinois (Mỹ) tháng 7-2022. Ảnh: AP
Lạm phát toàn cầu có thể đã chạm đỉnh và bắt đầu đảo chiều. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở Glenview, Illinois (Mỹ) tháng 7-2022. Ảnh: AP

Dù vậy, với nhịp giảm “chậm rãi”, cùng với các biến động khó lường ở thị trường năng lượng và lương thực, lạm phát vẫn sẽ là “cơn đau đầu” với ngân hàng trung ương của các nước trong năm 2023.

Lạm phát sẽ bắt đầu giảm

Các chỉ số chính đo lường lạm phát công bố trong tuần này tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều đã giảm, trong khi giá hàng hóa xuất xưởng và các ước tính lạm phát của giới đầu tư cũng đang hạ dần. Bên cạnh đó, những “nút thắt” của chuỗi cung ứng do dịch bệnh và các vấn đề khác đang được cải thiện, biểu đồ giá nhiên liệu và thực phẩm thoải dần những ngày qua.

Thực tế này dường như đã nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia. Ngay từ đầu tháng 11-2022, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, giá cả tiêu dùng có thể đã gần chạm mốc cao nhất của chu kỳ hiện tại, cũng có nghĩa lạm phát đã gần chạm đỉnh. Bloomberg Television dẫn lời bà Georgiev bên lề hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu vừa qua tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) cho biết: “Tôi sẽ không nóng vội khi chưa có dữ liệu nhưng rất có thể chúng ta đang tiến tới mức đỉnh”.

Các tín hiệu hạ nhiệt ổn định ở các chỉ số chính là bối cảnh để các chuyên gia tại tổ chức Bloomberg Economics ước tính lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh trong quý 3-2022, dừng tăng ở mức 9,8% theo năm, đang hướng tới mức 9,5% trong quý 4-2022 và sau đó sẽ giảm xuống còn 5,3% vào cuối năm 2023.

Nhìn chung, các tổ chức tài chính đều có chung nhận định về việc lạm phát toàn cầu đã giảm sau khi lên tới đỉnh gần đây nhưng mức giảm và tốc độ giảm là điều họ không dễ đạt đồng thuận. Điều này cũng dễ hiểu vì với từng nền kinh tế và khu vực, tốc độ phục hồi tăng trưởng và việc thực thi các biện pháp kiềm chế lạm phát cũng khác nhau.

Ngày 4-12, tờ The Times vẫn cho rằng, lạm phát tại vương quốc Anh sẽ chạm đỉnh cuối năm nay khi giá hàng hóa bắt đầu giảm và sức ép với chuỗi cung ứng được “tháo van” phần nào. Một số tạp chí chuyên ngành như Forbes cho rằng, nếu thế giới bước vào giai đoạn suy thoái, lạm phát sẽ chấm dứt, giống như những gì từng xảy ra năm 2008. Tuy nhiên, tạp chí Economist lại đưa ra nhận định khác đáng quan ngại khi đăng tải bài báo với tít: “Ngay cả một cuộc suy thoái toàn cầu có lẽ cũng không giúp giảm bớt lạm phát”.

Nỗi lo còn đó

Theo ông Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg, nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng, việc lạm phát đã chạm đỉnh không có nghĩa điều tồi tệ nhất đã đi qua. Chuyên gia này lý giải: “Ngay cả khi các chỉ số giá tiêu dùng giảm thì chúng vẫn sẽ duy trì ở mức trên vùng an toàn với các ngân hàng trung ương, đòi hỏi phải có thêm biện pháp thắt chặt tài chính ngay cả khi các nguy cơ suy thoái đã thấp thoáng”.

Trong khi đó, ông Keith Wade, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý tài sản đa quốc gia Schroders (Anh) nhận định, trong tầm nhìn về kinh tế toàn cầu năm 2003 , mọi con mắt sẽ vẫn đổ dồn vào lạm phát, và cuộc chiến chống lạm phát là vấn đề trung tâm mà nhiều nước phải đương đầu. Trong báo cáo Tầm nhìn kinh tế toàn cầu (GEO) công bố ngày 5-12, của Fitch Ratings, một trong những công ty xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới của Mỹ, doanh nghiệp này điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng GDP thế giới vào năm 2023.

Dự báo được Fitch Ratings đưa ra căn cứ trên thực tế các ngân hàng trung ương vẫn đang tăng cường cuộc chiến chống lạm phát, cộng với tiên lượng về khả năng thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó. Theo đó, Fitch đưa ra mức dự báo GDP thế giới sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2023 sau khi điều chỉnh giảm đi so với mức dự báo 1,7% trong báo cáo GEO tháng 9-2022.

Riêng với Mỹ, từ thực tế chính sách tiền tệ vẫn đang thắt chặt, Fitch hạ mức dự báo tăng trưởng với nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống còn 0,2% trong năm 2023, giảm so với mức 0,5% trước đó. Trong khi đó, Fitch cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GPD của Trung Quốc trong năm tới từ mức 4,5% trước đây xuống còn 4,1% khi những kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường bất động sản nhạt dần.

Tương tự, báo cáo công bố đầu tháng 12 của ngân hàng Morgan Stanley có những tóm lược chính về tầm nhìn kinh tế thế giới trong năm 2023. Theo đó, sẽ là năm toàn cầu chứng kiến mức tăng trưởng yếu, lạm phát sẽ giảm hơn và không còn những đợt tăng lãi suất lớn nữa. Ngân hàng này cũng cho rằng, trong khi Mỹ có thể may mắn tránh được một cuộc suy thoái, kinh tế châu Âu sẽ sụt giảm, còn châu Á sẽ có những cơ hội tăng trưởng lạc quan hơn dù mức độ tăng trưởng ở mức khiêm tốn.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.