Nga sẵn sàng tái cung cấp khí đốt cho châu Âu

.

Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán và nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua các đường ống đang tạm dừng trong bối cảnh tình trạng thiếu khí đốt ở “lục địa già” vẫn dai dẳng và nguy cơ thế giới hứng chịu đợt khủng hoảng năng lượng kế tiếp vẫn hiện hữu.

Công nhân kiểm tra trạm nén khí trên đường ống Yamal-châu Âu gần Nesvizh, khoảng 130km về phía tây nam Minsk (Belarus). Ảnh: Reuters
Công nhân kiểm tra trạm nén khí trên đường ống Yamal-châu Âu gần Nesvizh, khoảng 130km về phía tây nam Minsk (Belarus). Ảnh: Reuters

Giới chức Nga cũng khẳng định các nguồn năng lượng của nước này là không thể thay thế và khó có thể bị cắt khỏi thị trường quốc tế trong những năm tới.  

Cơ hội đánh thức đường ống “ngủ đông” 

Ngày 26-12, TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: “Thị trường châu Âu vẫn mở, tình trạng thiếu khí đốt vẫn còn và chúng tôi có mọi cơ hội để tiếp tục cung cấp chúng”. Ông Novak dẫn đường ống Yamal - châu Âu làm ví dụ khi cho rằng hệ thống này bị đóng vì lý do chính trị vẫn có thể tái vận hành. Đây là một trong những ống dẫn khí chính từ Nga, đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức với công suất 33 tỷ m3/năm trước cuộc xung đột ở Ukraine, tương đương 1/6 lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu.

Nga hiện cung cấp khí đốt thông qua đường ống TurkStream dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đang chạy hết công suất, trong khi tuyến đường ống qua Ukraine cung cấp 42 triệu m3 khí đốt/ngày, tương đương khoảng 1/3 khối lượng vận chuyển được nêu trong hợp đồng. Ông Novak khẳng định, Nga tiếp tục coi lục địa này là thị trường tiềm năng bất chấp nỗ lực phá hoại hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) trước đó.

Theo Reuters, đường ống Yamal dẫn khí đốt tới Tây Âu bị đảo ngược dòng chảy kể từ tháng 12-2021 do Ba Lan từ chối mua khí đốt của Nga và chuyển sang dùng nguồn dự trữ ở Đức. Tháng 5-2022, Warsaw chấm dứt thỏa thuận với Moscow sau khi từ chối yêu cầu của Nga về thanh toán bằng đồng ruble. Tập đoàn Gazprom (Nga) đáp trả bằng cách “khóa van” nguồn cung và tuyên bố xuất khẩu khí đốt đến Ba Lan sau khi Moscow áp lệnh trừng phạt đối với công ty sở hữu phần đường ống Yamal - châu Âu đi qua lãnh thổ nước này.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Nga tỏ thiện chí về nguồn cung năng lượng. Hồi tháng 10-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin hé mở “cửa sổ” năng lượng mới cho Liên minh châu Âu (EU) khi tuyên bố Moscow sẵn sàng nối lại nguồn cung khí đốt thông qua nhánh liên kết của đường ống Nord Stream 2 nối với Đức dưới Biển Baltic. “Nga luôn sẵn sàng cho việc bắt đầu giao hàng. Quả bóng đang ở trong sân của EU. Nếu họ muốn, họ có thể mở vòi và thế là xong”, ông Putin nói.

Thiếu hụt năng lượng sẽ còn dai dẳng

Nga đóng vai trò lớn nhất trên thị trường năng lượng khi đóng góp 20% xuất khẩu khí đốt toàn cầu, hơn 20% dầu mỏ và là nhà cung cấp than lớn thứ ba thế giới. Nước này tự tin cho rằng, thế giới sẽ không thể “cai” nguồn năng lượng của họ, ám chỉ các nỗ lực của châu Âu nhằm “tẩy chay” nguồn cung của Moscow từ khi xung đột bùng nổ.

Đáng chú ý, ông Novak nhận định, thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong 5-10 năm tới và châu Âu sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. Do thận trọng trước các động thái của chính phủ, nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây quyết định sử dụng vốn để chia cổ tức thay vì đầu tư. Chính sự suy giảm đầu tư sẽ khiến EU không có đủ nguồn năng lượng, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt và đợt khủng hoảng mới là điều khó tránh. “Rõ ràng, việc tiêu thụ các nguồn năng lượng sẽ tăng lên trong tương lai. Tôi không thể tưởng tượng nền kinh tế thế giới sẽ xoay sở ra sao nếu không có nguồn năng lượng từ Nga”, ông Novak nói. Nga một mực khẳng định đứng ngoài cuộc trong việc quản lý các đường ống và cáo buộc châu Âu phải chịu trách nhiệm với “bão giá” khí đốt.

Ngoài EU, Nga sẵn sàng tăng lượng cung cấp cho những nơi khác đang cần khí đốt. Moscow đang thảo luận bổ sung nguồn cung qua Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan và Uzbekistan; đồng thời mở rộng dòng chảy năng lượng sang Afghanistan và Pakistan bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung Á hoặc trao đổi từ lãnh thổ của Iran.

Sau khi tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, một số nước châu Âu có bước xoay trục khi tính toán sử dụng những nguồn năng lượng mới. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng, tất cả các nước công nghiệp lớn ở châu Âu sớm muộn cũng quay trở lại bất đắc dĩ với năng lượng hạt nhân. Hà Lan, Thụy Điển, Pháp và Ba Lan đều kỳ vọng vào sự hồi sinh mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới. Song, theo giới quan sát, điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng chính phủ các nước trong việc huy động các khoản đầu tư cần thiết và giải quyết rốt ráo bội chi ngân sách. Bên cạnh “nút thắt” này, các dự án mới sẽ không kịp đưa vào hoạt động để bù đắp cho việc đóng cửa nhiều lò phản ứng đã đến cuối vòng đời vận hành.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.