Kể từ sau Thế chiến 2, Trung Đông trở thành “chảo lửa” triền miên bởi các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp biên giới, cũng như sự tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các siêu cường… Đặc biệt, sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dẫn đến sự can thiệp quân sự của các siêu cường đã nhanh chóng biến nhiều nước trong khu vực như Iraq, Syria thành chiến trường trong gần 10 năm qua.
Đến thời điểm hiện tại, tình hình ở khu vực này vẫn ở trong trạng thái căng thẳng, trong đó nổi lên là xung đột Israel-Palestine, chiến sự ở Syria, bất ổn ở Iraq, quan hệ song phương giữa các quốc gia có vai trò lớn trong khu vực còn “đóng băng”. Iraq vốn chìm trong khủng hoảng sau khi Mỹ rút quân, chỉ mới thành lập chính phủ thỏa hiệp sau một năm khủng hoảng chính trị.
Syria vẫn chưa chấm dứt chiến sự và đang chống chọi với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi xung đột nổ ra năm 2011. Trong khi đó, bế tắc chính trị vẫn kéo dài trên chính trường Lebanon trong lúc nước này đối mặt với khủng hoảng kinh tế-tài chính nghiêm trọng chưa từng có, đẩy phần lớn người dân vào tình cảnh nghèo đói kể từ năm 2019. Nếu không có các bước đi phù hợp, những biện pháp hữu hiệu để tháo “ngòi nổ” thì tình hình bất ổn vẫn là thách thức vô cùng nghiêm trọng cho các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế.
Trước thực trạng này, ngày 20-12, Pháp và Iraq đồng tổ chức “Hội nghị Baghdad về hợp tác và đối tác” (“Baghdad II”) tại Jordan nhằm tìm kiếm cơ hội giảm căng thẳng khu vực Trung Đông. Sự kiện này tiếp nối hội nghị “Baghdad I” vào tháng 8-2021 tại thủ đô Baghdad (Iraq) theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hội nghị lần này quy tụ các nhà lãnh đạo của các nước trong khu vực và đại biểu quốc tế, trong đó có Tổng thống Macron và nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, người làm trung gian cho các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.
Giới phân tích cho rằng, hội nghị cho thấy nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện của Pháp ở Trung Đông, nơi mà sự ảnh hưởng của Mỹ đang có phần phai nhạt. Theo Quốc vương Jordan Abdulla II, hội nghị tạo cơ hội nhấn mạnh vai trò của Iraq trong việc đưa ra quan điểm và tăng cường hợp tác khu vực, trong bối cảnh Trung Đông đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng an ninh và chính trị, các thách thức về an ninh lương thực, tài chính và y tế. Trong khi đó, Tổng thống Macron khẳng định, các nước cần cùng nhau vượt qua sự chia rẽ; tập trung vào những vấn đề cụ thể để tăng cường hợp tác về an ninh, kinh tế, nước và cơ sở hạ tầng. Chính phủ Pháp và cá nhân ông sẽ quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các mục tiêu đó cho khu vực này.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Saudi Arabia Al Saud cũng lên tiếng bảo đảm với người đồng cấp Iran rằng Riyadh sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Tehran. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa các quan chức chính phủ Iran và Saudi Arabia kể từ năm 2016 khi Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran sau vụ việc đại sứ quán nước này tại Tehran và lãnh sự quán ở thành phố Mashhad bị người biểu tình tấn công nhằm phản đối quyết định nước này tử hình giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr. Phần lớn người dân Iran theo Hồi giáo dòng Shiite trong khi người theo Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số tại Saudi Arabia. Từ tháng 4-2021, Iraq chủ trì nhiều hội nghị nhằm hàn gắn quan hệ song phương nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Theo giới phân tích, hội nghị “Baghdad II” là một phần nỗ lực của Pháp nhằm duy trì sự hiện diện của Paris ở khu vực Trung Đông, qua đó tạo chuyển biến tích cực mới trong cục diện khu vực này, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra trầm trọng ở châu Âu rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các nước ở Trung Đông để bảo đảm nguồn cung.
TUYẾT MINH