Tuần này, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg công du Hàn Quốc và Nhật Bản để củng cố quan hệ với hai nước đối tác chủ chốt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tham dự cuộc họp báo tại trụ sở của liên minh ở Brussels (Bỉ) tháng 10-2022. Ảnh: Reuters |
Ông Stoltenberg tới Seoul từ ngày 29 đến 30-1, gặp gỡ một loạt quan chức hàng đầu Chính phủ Hàn Quốc, trong đó có Tổng thống Yoon Suk-yeol, Ngoại trưởng Park Jin và Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup, sau đó tiếp tục công du Nhật Bản trong hai ngày tiếp theo.
Theo SCMP, bên cạnh thắt chặt quan hệ, chuyến thăm còn thể hiện rõ sự ủng hộ của NATO đối với hai nước Đông Bắc Á trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc tăng cường tầm ảnh hưởng và thách thức an ninh từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 với tư cách quan sát viên.
Trước thềm chuyến thăm, Yonhap dẫn lời ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tăng cường hợp tác NATO - Hàn Quốc để ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu; đồng thời nêu bật tính liên kết của an ninh vượt ra ngoài ranh giới địa lý. An ninh mạng, công nghệ và kiểm soát vũ khí sẽ là những nội dung thảo luận trọng tâm để thúc đẩy quan hệ đối tác song phương. “Tôi tin tưởng mạnh mẽ chúng ta cần tăng cường quan hệ đối tác NATO - Hàn Quốc vì lĩnh vực an ninh ngày càng có tính gắn kết. Những gì xảy ra ở châu Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quan trọng đối với châu Âu và NATO, và ngược lại”, ông Stoltenberg nói. Chuyến thăm của ông Stoltenberg diễn ra trong thời điểm chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với liên minh xuyên Đại Tây Dương, thể hiện qua việc thành lập phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO tháng 11-2022.
Tiếp nối chuyến công du Hàn Quốc, ông Stoltenberg sẽ đến Tokyo để xác nhận về việc tăng cường hợp tác về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo The Japan News, cuộc gặp của Stoltenberg với Thủ tướng Kishida dự kiến diễn ra ngày 31-1.
Nhiều khả năng, xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Chuyên gia James Brown của Đại học Temple (Mỹ) khẳng định, mục tiêu của NATO, và chuyến thăm của Tổng Thư ký Stoltenberg nói riêng, là muốn gửi thông điệp rằng tình hình ở Ukraine không phải là vấn đề của riêng châu Âu, mà là cuộc khủng hoảng toàn cầu và là thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ. Đây chính là lý do NATO rất mong những quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản, can thiệp và hỗ trợ.
Tuy nhiên, một chuyên gia giấu tên của Viện Nghiên cứu quốc phòng ở Tokyo cho rằng, ông Stoltenberg nhiều khả năng không trực tiếp yêu cầu Nhật Bản viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine bởi rất khó để người dân nước này chấp nhận một động thái như vậy ở thời điểm hiện tại. “Điều đó có thể không xảy ra trong tương lai gần nhưng tôi cho rằng đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ thay đổi các quy tắc của chính mình về việc cung cấp thiết bị quân sự cho nước đang đối diện xung đột như Ukraine” ông Brown nói.
Đến nay, hai quốc gia Đông Bắc Á chỉ cung cấp cho Ukraine thiết bị y tế, áo giáp, mũ bảo hiểm, máy phát điện và thiết bị liên lạc. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Nga. Tính đến giữa tháng 12-2022, Tokyo đã cung cấp khoảng 500 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Trong thời gian tới, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều khả năng tiếp tục viện trợ bổ sung các thiết bị không sát thương cho Kiev.
Theo các nhà phân tích, trong những tháng gần đây, NATO chú trọng mở rộng hợp tác với các nước ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc với ý định củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với các nước có cùng chí hướng. Việc Tokyo và Seoul nhất trí tăng cường quan hệ với NATO dựa trên sự tương đồng trong nhận thức về các mối đe dọa an ninh chung cũng đặt ra nhiều suy ngẫm về triển vọng hình thành “phiên bản NATO mới” tại châu Á - cụ thể là tại Đông Á, khi Mỹ không hề muốn chứng kiến sự hiện diện tăng cường của Trung Quốc. Tháng 6-2022, lần đầu tiên sau 12 năm, liên minh 30 nước thành viên do Mỹ dẫn dắt đã sửa đổi Khái niệm Chiến lược, đưa ra các hướng dẫn hành động cho thập niên tới. Tài liệu sửa đổi lần đầu tiên đề cập các động thái của Trung Quốc và kêu gọi tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc.
THƯ LÊ