Thông điệp liên bang đầu tiên tại Quốc hội Mỹ kể từ khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện được xem là cơ hội để Tổng thống Joe Biden kêu gọi phe đối lập gạt bỏ khác biệt để tìm tiếng nói chung, đồng thời khẳng định con đường “chèo lái” con thuyền đất nước của ông vẫn đi đúng hướng, qua đó giúp ông ghi điểm trong mắt cử tri trước thềm tái tranh cử.
Thông điệp liên bang ngày 7-2 (giờ địa phương) đánh dấu bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) trước Hạ viện mới do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ảnh: Getty Images |
Hợp tác nhưng không nhượng bộ
Đây là bài phát biểu rất quan trọng với ông chủ Nhà Trắng, được đưa ra khi lần đầu tiên sau hai năm nhiệm kỳ khi ông phải đối mặt với một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Do vậy, cũng dễ hiểu vì sao trong thông điệp lần này, người đứng đầu Nhà Trắng lại tập trung ca ngợi những thành tựu lưỡng đảng sâu rộng đã đạt được trong hai năm đầu ông tại vị, với khoảng 300 dự luật được thông qua. Đáng chú ý, ông Biden nhấn mạnh kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi với chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau”. “Chúng ta đang ở vị thế tốt hơn bất cứ quốc gia nào trên trái đất”, ông Biden nói.
Thực ra, ông Biden phải chấp nhận khả năng các dự luật do ông đề xuất sắp tới sẽ không còn dễ dàng được thông qua tại Quốc hội, ít nhất là trong hai năm tới, bởi mọi chính sách lập pháp của ông giờ đây đều phải “qua ải” Hạ viện. Trong bài phát biểu đầu tiên về sự khởi đầu của chính phủ vốn đang chia rẽ, ông Biden cam kết hợp tác với đảng Cộng hòa nhưng chắc chắn không nhượng bộ. “Tầm nhìn của tôi là khôi phục linh hồn của đất nước, xây dựng lại xương sống của nước Mỹ là tầng lớp trung lưu, đoàn kết đất nước. Gửi những người bạn đảng Cộng hòa của tôi, nếu chúng ta có thể phối hợp trong Quốc hội như vừa qua thì không có lý do gì chúng ta không thể làm việc cùng nhau và tìm thấy sự đồng thuận về những điều quan trọng trong Quốc hội. Xung đột vì lợi ích chẳng đưa chúng ta đi đến đâu cả”, ông Biden nói. Một mặt phát đi thông điệp đoàn kết lưỡng đảng, ông Biden cũng không bỏ lỡ cơ hội kêu gọi các đảng viên Cộng hòa nhanh chóng đồng thuận về kế hoạch tăng trần nợ công để giúp Chính phủ tránh “bom nổ chậm” vỡ nợ, cũng như ủng hộ chương trình tăng thuế đối với người giàu và mở rộng viện trợ xã hội cho người nghèo.
Theo Reuters, về chính sách đối ngoại, các vấn đề quan trọng như xung đột ở Ukraine, NATO và căng thẳng với Trung Quốc là những điểm nhấn đáng chú ý. “Chúng ta đã đoàn kết NATO và xây dựng liên minh toàn cầu. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine”, ông nói. Đối với Trung Quốc, ông Biden khẳng định: “Đầu tư vào sự đổi mới của Mỹ, nhất là vào các lĩnh vực mà Trung Quốc dự định sẽ thống trị trong tương lai”. Washington muốn cạnh tranh chứ không phải xung đột với Bắc Kinh. Tuy vậy, Mỹ sẽ hành động cương quyết để bảo vệ chủ quyền. Dù không đề cập rõ ràng đến vụ việc khinh khí cầu của Trung Quốc nhưng ông Biden ám chỉ quyết định bắn hạ nó thể hiện cách ứng phó cứng rắn với Bắc Kinh khi cần thiết.
“Bước chạy đà” cho tái tranh cử
Hiếm có sự kiện chính trị nào ở Mỹ thu hút được nhiều quan tâm như thông điệp liên bang với lượng người theo dõi qua truyền hình rất lớn, vì thế, Tổng thống Biden phải tận dụng cơ hội này để chiếm lấy “ánh đèn sân khấu” trên chính trường cũng như thu hút ủng hộ của đông đảo cử tri về phía mình, đặc biệt trước khi đưa ra thông báo tái tranh cử năm 2024, bất chấp lùm xùm xung quanh vụ phát hiện tài liệu mật gần đây. Ông Peter Wehner, người đã viết các bài phát biểu cho cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Bài phát biểu này chắc chắn được xem tại Nhà Trắng như một phần của nỗ lực tái đắc cử. Và điều đó có nghĩa nó bắt đầu vạch ra những đường nét bao quát của chiến dịch tái tranh cử nghiêm túc mà ông Biden theo đuổi”.
Thực ra, rất nhiều người Mỹ, bao gồm cả các nghị sĩ đảng Dân chủ, đều tỏ ra ái ngại về vấn đề tuổi tác của ông Biden. Trong quá khứ nước Mỹ, chưa từng có tổng thống nào lớn tuổi như ông Biden. Ông đã bước qua tuổi 80 và sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai nếu tái đắc cử. Cuộc thăm dò mới đây do Washington Post và ABC News thực hiện cho thấy 36% người dân Mỹ tin Tổng thống Biden đã có rất nhiều thành tựu từ khi nhậm chức, trong khi 62% cho rằng ông không làm gì nhiều hoặc không đạt được gì cả. Điều đáng nói là phát biểu của ông Biden về một số chủ trương kinh tế vấp phải những phản đối từ đảng Cộng hòa. Về vấn đề này, một chuyên gia phân tích cho hay, điều đó cũng phần nào phản ánh những đường lối khác biệt trong chiến dịch vận động tranh cử cho chiếc ghế Tổng thống sắp tới.
Trung Quốc từ chối yêu cầu điện đàm với Mỹ sau vụ khinh khí cầu Ngày 7-2, Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc từ chối yêu cầu thực hiện điện đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng về vấn đề an ninh. Động thái của Trung Quốc có thể là để phản ứng với việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này ngoài khơi bờ biển Nam Carolina ngày 4-2. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden trả lại các mảnh vỡ của khinh khí cầu mà quân đội Mỹ đã bắn hạ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: “Khinh khí cầu không thuộc về Mỹ. Nó thuộc về Trung Quốc”. |
THƯ LÊ