Indonesia thúc đẩy đàm phán về COC

.

Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên bản đồ “đường chín đoạn” hình chữ U mà họ vạch ra, một ranh giới mà Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague vào năm 2016 phán quyết rằng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có 4 nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đã mở các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm các chuẩn mực và các quy định để bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không nhằm ngăn ngừa nổ ra xung đột vũ trang tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về COC vẫn chưa có những bước tiến triển mới do các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị của các khu vực trọng yếu trên thế giới liên tiếp có nhiều biến động khó lường, phức tạp, việc xây dựng các cơ chế, quy định nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và hợp tác bền vững ở Biển Đông càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.  Ngày 4-2, hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2023. Sự kiện tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề trọng tâm, trong đó có đánh giá về kết quả thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) về vấn đề Myanmar; các vấn đề khu vực và quốc tế; quan hệ ASEAN với các đối tác và về Biển Đông.

Về việc triển khai trụ cột Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), các bộ trưởng thống nhất đánh giá, rà soát các dự án cụ thể trong khuôn khổ AOIP, trong đó xây dựng lòng tin với các đối tác, cùng hợp tác trên cơ sở cùng hướng tới lợi ích của các bên. Bên cạnh đó, khối này cũng sẽ tăng cường xây dựng Triển vọng hàng hải ASEAN. Đặc biệt, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tái khẳng định tiếp tục thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng thúc đẩy sớm hoàn thành đàm phán COC sớm nhất có thể trên cơ sở thực chất, hiệu quả và khả thi.

Theo tinh thần của hội nghị, Indonesia dự định tăng cường hội đàm với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác để hoàn tất COC cho vùng Biển Đông có tranh chấp, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở tuyến đường thủy chiến lược. Cuộc họp đầu tiên sẽ được tiến hành vào tháng 3-2023. Phát biểu với báo chí ngay sau khi kết thúc hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN đều ủng hộ ý định của Indonesia về việc triệu tập một số sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thực hiện AOIP. Indonesia mong muốn hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan trong suốt quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2023. Bà Marsudi nhấn mạnh: “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của cuộc thảo luận. Chúng tôi cũng đã bàn luận về COC, cam kết của các thành viên để kết thúc đàm phán COC sớm nhất có thể là rõ ràng”.

Theo các nhà quan sát, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2023, quyết tâm của Indonesia về thúc đẩy đàm phán về COC cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Jakarta về tình hình Biển Đông đang ở mức đáng lo ngại, cần sớm có những giải pháp ngoại giao để ngăn ngừa sự bất ổn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan không kiểm soát được tình hình.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.