Mỹ bế tắc về trần nợ công, nguy cơ vỡ nợ tăng

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không tham dự cuộc họp đầu tiên theo kế hoạch vào ngày 31-1 (giờ địa phương) về nâng trần nợ công để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Việc cả hai bên đều không sẵn sàng đàm phán trong bối cảnh nợ công ở nước này cứ tiếp tục phình to có thể dẫn đến khả năng vỡ nợ sớm nhất là vào tháng 6-2023, qua đó đe dọa kinh tế Mỹ và và khiến tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng.

Tổng thống Joe Biden (bên phải) chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội, trong đó có ông McCarthy (bên trái) tại Nhà trắng tháng 11-2022. Ảnh: AP
Tổng thống Joe Biden (bên phải) chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội, trong đó có ông McCarthy (bên trái) tại Nhà trắng tháng 11-2022. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, nước này chạm mức trần nợ công 31.800 tỷ USD (giới hạn vay) vào ngày 19-1 và thúc giục Chính phủ gấp rút thực hiện các biện pháp đặc biệt để thanh toán các chi tiêu của quốc gia trong trường hợp Quốc hội không hành động.

Chia rẽ sâu sắc

Theo Reuters, chạm trần nợ là kết quả của việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ trong nhiều thập niên qua. Mâu thuẫn hiện vẫn dai dẳng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ xung quanh “bom nổ chậm” trần nợ công. Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện nói rằng, bất kỳ việc tăng trần nợ cũng nên đi đôi với việc Chính phủ phải giảm mạnh chi tiêu trong bối cảnh mà họ gọi là “vung tay quá trán ở Washington”. Trong khi đó, Nhà Trắng một mực chỉ muốn thảo luận về cắt giảm chi tiêu sau khi trần nợ được nâng lên. Thậm chí, ông Biden còn giục Quốc hội xóa bỏ mức trần vô điều kiện.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese và Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young lập luận: “Tăng trần nợ không phải là cuộc đàm phán; đó là nghĩa vụ của đất nước và các nhà lãnh đạo để tránh hỗn loạn kinh tế”. Về phần mình, ông McCarthy kêu gọi ông Biden sẵn sàng nhượng bộ để được Quốc hội tăng trần nợ. “Điều đầu tiên họ nên nên làm, đặc biệt là với tư cách là Tổng thống là phải sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm thỏa hiệp”, ông McCarthy nói. Trước đó, chính trị gia này tuyên bố sử dụng trần nợ công, làm đòn bẩy thúc đẩy các ưu tiên chính sách của đảng Cộng hòa, gồm cắt giảm chi tiêu công.

Động thái trên của Tổng thống Biden cũng phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của Nhà Trắng. Thực ra, nếu cứ cứng rắn đòi Chính phủ cắt mạnh nguồn chi, đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ mất dần sự ủng hộ của đông đảo người dân vốn muốn hưởng lợi từ những chương trình hỗ trợ từ nguồn ngân sách công.

Bên cạnh đó, bài học về trần nợ công vẫn còn nhắc nhớ về việc Mỹ phải chật vật lách khỏi tình trạng vỡ nợ. Hồi năm 2011, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ dự luật tăng mức trần nợ, đẩy Mỹ tiến rất gần đến vỡ nợ. Ông Barack Obama, Tổng thống lúc bấy giờ, phải đồng ý cắt giảm chi tiêu 2.000 tỷ USD. Dù cuộc khủng hoảng toàn diện bao gồm vỡ nợ được ngăn chặn sau “cú hãm phanh” kịp thời của ông Obama nhưng vẫn có thiệt hại: Mỹ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín dụng và thị trường chứng khoán lao dốc.

Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Những diễn biến về mức trần nợ liên bang được coi là mối quan tâm chính trị lớn ở Mỹ trong vài tháng tới và cũng thu hút sự quan tâm của giới tài chính toàn cầu. Vì nợ của Kho bạc Mỹ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính thế giới cho nên một khi Mỹ vỡ nợ thì có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn.
Các chuyên gia lý giải, nếu nguy cơ vỡ nợ càng lớn thì các nhà đầu tư sẽ hối hả bán trái phiếu kho bạc Mỹ, làm suy yếu đồng USD, qua đó có thể tác động tiêu cực đến tài chính toàn cầu. Còn đối với các quốc gia đang nợ nước ngoài, đồng USD yếu hơn có thể khiến các khoản nợ bằng các loại tiền tệ khác trở nên đắt hơn và có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ.

Theo USA Today, dù không rõ Bộ Tài chính Mỹ có thể tránh vỡ nợ trong bao lâu nhưng Chính phủ dự kiến ​​sẽ có thể tiếp tục hoạt động cho đến ít nhất là đầu tháng 6-2023. Dẫu vậy, trang mạng Foreignpolicy nhận định, khả năng Mỹ vỡ nợ sẽ gần như không thể xảy ra, khi cho rằng nhiều khả năng, Quốc hội sẽ đạt thỏa thuận nâng trần nợ để đổi lấy lời hứa cắt giảm chi tiêu của Chính phủ. Ngay cả khi các cuộc đàm phán thất bại, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn có nhiều lựa chọn để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, từ thủ thuật kế toán đến quyết định bỏ qua trần nợ hoàn toàn.

Không giống như ở hầu hết các quốc gia phát triển khác, mức trần nợ được Quốc hội Mỹ thiết lập năm 1917 là giới hạn cứng rắn về tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ có thể vay thông qua tín phiếu và trái phiếu để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi chi tiêu đạt mức trần, Quốc hội phải thông qua dự luật nới rộng giới hạn vay, nếu không Chính phủ sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Việc tăng trần nợ thường được biểu quyết trên cơ sở lưỡng đảng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.