Thảm kịch động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Thương vong tiếp tục tăng cao

.

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người còn sống sót trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, miền bắc Syria ngày 6-2 với sức tàn phá trên diện rộng, trong bối cảnh con số thương vong không ngừng tăng mạnh. 

Quang cảnh đống đổ nát tại Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) sau trận động đất ngày 6-2. Ảnh: Anadolu Agency
Quang cảnh đống đổ nát tại Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) sau trận động đất ngày 6-2. Ảnh: Anadolu Agency

Theo The Guardian, tính đến 20 giờ ngày 6-2, ít nhất 1.500 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cảnh báo, con số thương vong có thể tăng vọt trong những ngày tới khi còn rất nhiều nạn nhân đang mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Vì sao số thương vong lớn?

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra gần tỉnh Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), gây ra cảnh tàn phá rộng khắp ở nhiều tỉnh khác của nước này và Syria. Các nước láng giềng như Cyprus, Lebanon và Ai Cập vẫn cảm nhận rung lắc rất rõ. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất cứ điều gì giống như vậy trong 40 năm sống trên đời”, một cư dân ở Gaziantep nói.

Đáng chú ý, thảm họa lần này mạnh bằng với trận động đất lịch sử khiến 20.000 người chết năm 1939 làm dấy lên lo ngại thảm kịch gần 100 năm lặp lại. Theo dự đoán của USGS đăng trên CNN, số người thiệt mạng trong thảm họa ngày 6-2 có thể lên tới 10.000 người. Ước tính này dựa trên việc mô hình hóa từ các trận động đất lịch sử trong khu vực, số lượng cư dân tại những khu vực có rung chuyển và tính dễ tổn thương của các công trình ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. USGS cũng ước tính thiệt hại kinh tế có thể rơi vào khoảng 1 - 10 tỷ USD, chiếm tới 2% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi đặt ra lúc này: Tại sao trận động đất này lại gây thương vong lớn như vậy? Theo các chuyên gia của Đại học Curtin (Úc), bên cạnh cường độ 7,8 độ Richter, tâm chấn sâu khoảng 18km của trận động đất này khiến vụ việc trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, năng lượng do trận động đất giải phóng sẽ được cảm nhận khá gần bề mặt với cường độ lớn hơn nhiều so với khi nó ở sâu hơn trong lớp vỏ. Nói một cách nôm na, các trận động đất nông (có độ sâu chấn tiêu nhỏ hơn 70km tính từ mặt đất) thường gây ra nhiều thiệt hại bề mặt hơn các trận động đất sâu hơn.

Một yếu tố khác cũng đáng nói chính là cấu trúc hạ tầng. Theo USGS, đa phần người dân trong khu vực cư trú trong nhiều tòa nhà xây bằng gạch hoặc bê-tông giòn dễ bị rung chuyển bởi động đất. Một số tòa nhà, bao gồm cả những tòa nhà ở Istanbul - thành phố phát triển và hiện đại nhất đất nước - không được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn động đất. Nhiều ngôi nhà được xây dựng mà không có sự giám sát và sử dụng vật liệu xây dựng kém chất lượng, bất chấp luật pháp hiện hành.

Ngoài ra, thảm kịch xảy ra vào rạng sáng, khi phần lớn mọi người đều ngủ say, nên có khả năng con số thương vong tiếp tục tăng cao. Một điều cũng đáng lo ngại là tình hình thời tiết lạnh giá và ẩm ướt với hàng loạt trận mưa tuyết đang cản trở nỗ lực cứu hộ và khắc phục hậu quả sau trận động đất.

Cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người sẽ chịu áp lực phải giám sát việc ứng phó hiệu quả với thảm họa trước thềm cuộc bầu cử đầy tranh cãi sắp tới cho biết, lực lượng cứu hộ đang dốc toàn lực để cứu giúp những người bị ảnh hưởng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trên Twitter, ông Erdogan viết: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thảm họa này càng sớm càng tốt với ít thiệt hại nhất”.

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, Liên minh các tổ chức cứu trợ và chăm sóc y tế (UOSSM), vốn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cứu trợ y tế khẩn cấp cho người dân Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến, đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp. Mỹ, Đức, Anh, Israel, Ấn Độ, Pakistan, Hy Lạp và Ukraine nằm trong số các quốc gia gửi lời chia buồn và sẵn sàng cung cấp mọi viện trợ cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Azerbaijan sẽ gửi một đội tìm kiếm và cứu nạn gồm 370 người và hàng viện trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự, Hà Lan cũng sẽ cử đội tìm kiếm và cứu hộ với cảnh sát và quân nhân, nhân viên sơ cứu và lính cứu hỏa đến nước Trung Đông này.

Nằm trên vùng địa chất thuộc nhóm bất ổn nhất trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh, trong đó có trận động đất năm 1999 khiến hơn 17.000 người thiệt mạng. Lần gần nhất là trận động đất xảy ra tháng 10-2022 có độ lớn 7 tại vùng biển Aegea khiến 114 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo đáp trả hàng loạt nước phương Tây
Ngày 5-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đưa ra “tối hậu thư” cảnh báo các nước phương Tây sẽ phải trả giá đắt vì đưa ra các cảnh báo an ninh và đóng cửa tạm thời hàng loạt lãnh sự quán ở nước này do lo ngại an ninh. Ông Erdogan cho rằng, các quốc gia phương Tây đang cố tình kéo dài thời gian, song Ankara sẽ đưa ra các quyết định cần thiết sắp tới. Trước đó, Ankara triệu đại sứ của Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh nhằm phản đối quyết định đóng cửa lãnh sự quán tại Istanbul. Phương Tây đưa ra cảnh báo an ninh trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng, liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.