Căng thẳng vẫn chưa lắng xuống quanh vụ máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trong không phận nước này khi Washington liên tục tiết lộ phát hiện mới nhất về vật thể này, qua đó có thể tiếp tục tạo thêm rào cản đối với quan hệ hai nước.
Hải quân Mỹ trục vớt mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina ngày 5-2. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Nội bộ Mỹ lục đục
Sự cố khinh khí cầu bộc lộ những quan điểm khác biệt ngay trong chính nội bộ chính quyền Mỹ về cách xử lý tình huống nhạy cảm này. Ngày 9-2, kênh Noticias Telemundo dẫn lời Tổng thống Joe Biden cho biết, ông không hối tiếc về việc đã không ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu sớm hơn bởi quân đội Mỹ lo ngại điều này sẽ khiến các mảnh vỡ của khinh khí cầu rơi xuống khu dân cư. Đáng chú ý, ông Biden nhấn mạnh, vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ không phải là vụ vi phạm nghiêm trọng. Tuyên bố này được xem là bước đi xoa dịu căng thẳng song phương nhưng nó đi ngược lại với quan điểm của Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ngày 9-2, Hạ viện nhất trí ủng hộ nghị quyết phản đối việc khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận nước này. Bên cạnh đó, nghị quyết nhấn mạnh chính sách của Mỹ cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát nhằm ngăn chặn các nền tảng giám sát từ trên không của nước ngoài xâm phạm không phận Mỹ, đồng thời kêu gọi chính quyền Biden cập nhật thông tin cho Hạ viện bằng cách cung cấp các báo cáo tóm tắt toàn diện về vụ việc. Động thái này cho thấy Hạ viện vẫn giữ lập trường cứng rắn về vụ khinh khí cầu.
Cuộc điều tra vẫn ở giai đoạn đầu
Ngày 9-2, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, công tác phân tích khinh khí cầu đang ở giai đoạn đầu khi họ chỉ thu hồi được rất ít bằng chứng vật chất từ khinh khí cầu, chủ yếu là các mảnh vỡ trôi nổi trên biển, và vẫn chưa đủ thông tin để đánh giá mục đích và khả năng của vật thể này. Ông Michael Paul, trợ lý Giám đốc Bộ phận Hoạt động và Công nghệ của FBI cho biết, họ vẫn chưa tiếp cận thành phần quan trọng của khinh khí cầu nơi chứa các thiết bị điện tử và phần lớn cấu trúc thượng tầng vẫn ở dưới nước. FBI đang phối hợp hải quân và cảnh sát biển để đẩy nhanh tiến độ trục vớt. Dự báo sẽ mất nhiều thời gian để trục vớt rồi chuyển mảnh vỡ tới phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico (bang Virginia) bởi khu vực tìm kiếm quy mô lớn và thời tiết bất lợi trong những ngày tới. Đến thời điểm này, FBI cũng chưa thể xác định rõ nhà sản xuất của khinh khí cầu cũng như vật liệu hoặc năng lượng nào gây hại từ phương tiện này.
Thông báo của FBI tiếp tục mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của các cơ quan chính phủ khác của Mỹ. Truyền thông Mỹ liên tiếp đăng tải tình tiết mới nhất về sự cố này. CNN dẫn lời quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9-2 cho biết, khinh khí cầu có khả năng thu thập thông tin tình báo điện tử và là một phần của phi đội khí cầu từng bay qua hơn 40 nước ở 5 châu lục. “Khí cầu mang theo nhiều ăng-ten với một mảng có thể thu thập và xác định vị trí của thông tin liên lạc. Nó có các tấm pin mặt trời đủ lớn tạo ra năng lượng cần thiết để vận hành cảm biến thu thập thông tin tình báo”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Mỹ đang xem xét khả năng trừng phạt thực thể liên quan tới quân đội Trung Quốc hỗ trợ đưa khí cầu vào không phận các nước này.
Theo CNN, bên cạnh phát triển máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời và các phương tiện siêu thanh, Trung Quốc đang hồi sinh công nghệ phát triển các phương tiện nhẹ hơn không khí vốn đã tồn tại hàng thập niên và vận hành chúng trong lớp khí quyển không khí loãng (hay còn gọi là “vùng cận vũ trụ”). Chúng bao gồm các khí cầu bình lưu và khí cầu tầm cao, tương tự như chiếc bị phát hiện và bắn rơi ở Mỹ cuối tuần qua. Nằm cao hơn đường bay của hầu hết máy bay thương mại và quân sự nhưng thấp hơn vệ tinh, không gian cận vũ trụ là vùng mà các vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo bay qua.
Trong khi đó, Bắc Kinh bác bỏ mọi nhận định của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như phán đoán của truyền thông nước này; đồng thời tái khẳng định khinh khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Các quốc gia đều sử dụng loại khinh khí cầu này và không có gì lạ khi chúng thỉnh thoảng trôi vào không phận của nước khác.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Global Times, ông Lu Shaye, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp nói rằng, sự cố như vậy lẽ ra phải được xử lý thông qua liên lạc giữa hai bên một cách yên lặng và không ảnh hưởng đến sự tin tưởng lẫn nhau. Ông cũng nói với kênh LCI rằng khinh khí cầu từ các quốc gia khác trước đó cũng thường đi lạc vào không phận Trung Quốc nhưng Bắc Kinh luôn giải quyết theo cách ổn thỏa. Điều đó chứng tỏ cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết các vụ việc như vậy xuất phát từ thực tế và xử lý các sự cố đối ngoại trên quan điểm hòa bình và phát triển thế giới. Global Times cho rằng, chính quyền Mỹ đang cố tình lan truyền câu chuyện hư cấu về khinh khí cầu nhằm gây bất lợi cho Trung Quốc, qua đó muốn giành được nhiều sự ủng hộ của dư luận về cái mà họ gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” trước thềm vận động bầu cử tổng thống Mỹ.
THƯ LÊ