Lý do FED vẫn cảnh báo tăng lãi suất?

.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo khả năng nâng lãi suất cao hơn và nhanh hơn so với dự đoán trước đây trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về lạm phát chưa “hạ nhiệt”. Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong chiến thuật của FED nhằm giảm áp lực giá cả sau khi giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng trước.

Chủ tịch FED Jerome Powell tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 7-3 (giờ địa phương). Ảnh: CNBC
Chủ tịch FED Jerome Powell tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 7-3 (giờ địa phương). Ảnh: CNBC

Dữ liệu hồi đầu năm cho thấy lạm phát ở Mỹ đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022, và đây có thể là lý do khiến FED để ngỏ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để chế ngự lạm phát.

Áp lực lạm phát vẫn cao

Theo Reuters, tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ ngày 7-3 (giờ địa phương), Chủ tịch Powell cho biết, hầu như không có dấu hiệu giảm lạm phát ở những nhóm hàng hóa và dịch vụ quan trọng khác, ngoài các nhóm nhà ở, thực phẩm và năng lượng. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với nhận định của FED hồi đầu tháng 2-2023 rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu.

“Mức độ đảo chiều cùng với những điều chỉnh so với quý trước cho thấy áp lực lạm phát đang tăng cao hơn dự kiến. Nếu tổng quan dữ liệu cho thấy việc cần thiết phải thắt chặt nhanh hơn, chúng tôi sẵn sàng nâng tốc độ tăng lãi suất”. Nhận định này của ông Powell nhằm ám chỉ hai điều: lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này sẽ cao hơn so với dự kiến trước đó của FED và “bước nhảy” lãi suất có thể tăng lên nếu số liệu lạm phát tiếp tục “nóng”.

FED đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980 với mức tăng lãi suất ít nhất nửa điểm phần trăm trong 6 lần liên tiếp vào năm ngoái, qua đó phần nào giúp hạ nhiệt lạm phát từ mức kỷ lục 9,1% vào tháng 6-2022 xuống còn 6,5% vào tháng 12-2022. Tuy nhiên, FED sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt để đưa mức lạm phát về mốc mục tiêu dài hạn 2%.

“Dù lạm phát được kiểm soát trong những tháng gần đây nhưng việc trở lại mức 2% vẫn còn chặng đường dài phía trước và có thể sẽ gập ghềnh,” ông Powell nói. Theo AP, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được FED ưa chuộng hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vẫn tăng với tốc độ 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của FED .

“Chiến dịch diều hâu” vẫn tiếp tục

Bên cạnh áp lực lạm phát vẫn cao, yếu tố khác khiến FED tiếp tục tăng lãi suất chính là hoạt động kinh tế bền vững trong những tháng đầu năm. Thực tế, thị trường lao động vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí đi vay cao hơn. Các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào việc FED tăng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp từ ngày 21 đến 22-3.

Bà Callie Cox, chuyên gia phân tích đầu tư tại Công ty eToro, cho rằng: “Ưu tiên hàng đầu của FED là giảm lạm phát và đều vì lý do chính đáng. Mọi người bắt đầu tính đến việc lạm phát còn cao hơn. Đây có thể là trường hợp xấu nhất đối với các nhà đầu tư dài hạn và nguy cơ lãi suất sẽ tăng cao hơn”.

Susannah Streeter, phụ trách tài chính và thị trường của Công ty tài chính Hargreaves Lansdown nhận định, sự thất vọng đang bao trùm các thị trường chứng khoán, khi các nhà đầu tư một lẫn nữa nhận ra rằng “chiến dịch diều hâu” của FED còn lâu mới kết thúc.

Các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện quan ngại với lãi suất tăng nhanh, trong khi đảng Cộng hòa đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden vì đã kích thích nền kinh tế quá mức và thúc giục ông Powell tiếp tục chống lạm phát.

Theo đảng Dân chủ, lãi suất cao hơn có thể không khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh nhưng có thể gây nguy cơ mất việc làm vì nền kinh tế chậm lại buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên. FED cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, nhất là trong một số lĩnh vực như công nghệ.

“Thị trường lao động sẽ yếu đi khi nền kinh tế hướng tới mục tiêu lạm phát 2% nhưng không phải sụp đổ hoàn toàn”, ông Powell nói. FED đang đối mặt với sức ép từ các nhà lập pháp Mỹ khi họ đang đếm ngược thời gian đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 bởi kết quả của sự kiện này có thể phụ thuộc vào khả năng của ông Powell trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái đáng kể.

Tâm lý nhà đầu tư đảo chiều mạnh sau cảnh báo của FED, với thị trường chứng khoán “đỏ lửa” khi hàng loạt cổ phiếu và trái phiếu cùng bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày 7-3. Tại thị trường chứng khoán Wall Street, chỉ số Dow Jones đã giảm 1,7%, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1,5% và 1,3%. Tỷ giá đồng USD so với đồng bảng Anh, euro và yen đã đồng loạt tăng khi lãi suất cao khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

THƯ LÊ  

;
;
.
.
.
.
.