Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ) David Beasley cho biết, có 350 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt với nạn đói.
BBC dẫn lời ông Beasley ngày 1-4, cho biết khi ông nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 2020, có hơn hơn 270 triệu người có nguy cơ chết đói. Con số đó hiện lên tới 350 triệu người, lớn hơn cả dân số của Mỹ. Ông Beasley cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ trở nên tồi tệ hơn. Biến đổi khí hậu, Covid-19 và xung đột ở Ukraine đều là nguyên nhân khiến con số này tăng lên. Trong số 350 triệu người này, 50 triệu người đang ở ngưỡng cửa nạn đói, nếu không có thức ăn họ sẽ chết. Nhóm còn lại là những người tiếp cận 3 nhóm thực phẩm trở xuống và tiêu thụ ít hơn 2.100 calo/ngày.
Theo ông Beasley, WFP cần huy động 23 tỷ USD để hỗ trợ 350 triệu người này nhưng trong giai đoạn này chỉ cần nhận được 40 cũng quá tốt. Viễn cảnh lạc quan nhất là xung đột Ukraine kết thúc để Ukraine và Nga, hai nước được xem là vựa lúa mì của thế giới, tiếp tục xuất khẩu lương thực. Giám đốc WFP kêu gọi Trung Quốc, các nước vùng Vịnh cùng các tỷ phủ tăng cường mạnh mẽ viện trợ để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực. Trung Quốc đã đóng góp 12 triệu USD cho WFP trong năm ngoái. Hiện tại, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất, với 7,2 tỷ USD.
Tình trạng thiếu lương thực là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia. Ngày 31-3, ít nhất 13 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong các vụ giẫm đạp để giành thực phẩm được phân phát trong tháng Ramadan ở Karachi. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt sự cố chết người tại các trung tâm phân phát thực phẩm trên khắp Pakistan, giữa lúc người dân phải vật lộn với lạm phát leo thang và chi phí nhu yếu phẩm ngày càng tăng.
GIA NGHI