Airbus mở rộng sản xuất tại Trung Quốc

.

Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu sẽ tăng gấp đôi công suất sản suất tại Trung Quốc nhằm đón đầu xu hướng bùng nổ mạnh mẽ nhu cầu tại một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới hậu Covid-19.

Dây chuyền lắp ráp dòng máy bay Airbus A320 ở Thiên Tân.  Ảnh: Tân Hoa xã
Dây chuyền lắp ráp dòng máy bay Airbus A320 ở Thiên Tân. Ảnh: Tân Hoa xã

Đáng chú ý, quyết định của Airbus góp phần thúc đẩy ngành sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm các “ông lớn” khác như Apple Inc. đang cân nhắc về khả năng chuyển chuỗi sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung Quốc gia tăng.

Tìm kiếm đơn hàng mới tại Trung Quốc

Airbus cho biết, dây chuyền lắp ráp thứ hai tại nhà máy ở Thiên Tân dành cho sản xuất máy bay tầm trung A320 phổ biến của Airbus bắt đầu vận hành vào cuối năm 2025. Tuyên bố này được Giám đốc điều hành Airbus, ông Guillaume Faury đưa ra ngày 6-4 khi tháp tùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. 

Bloomberg dẫn lời ông Faury cho biết: “Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc tiếp tục phát triển, việc phục vụ cho các hãng hàng không Trung Quốc và có thể một số khách hàng khác trong khu vực là điều vô cùng ý nghĩa đối với Airbus”. Ông Faury sau đó đã ký thỏa thuận khung với phía Trung Quốc về việc lắp đặt dây chuyền thứ hai trên tại buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Macron và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Airbus cũng đang đàm phán các hợp đồng bán máy bay thân rộng A350 và A330neo cho các hãng hàng không Trung Quốc. Ông Faury vẫn tin rằng Airbus có thể giành được nhiều hợp đồng mới ở Trung Quốc, thị trường mà hãng có lợi thế khá lớn so với Boeing.

Nhận định về dây chuyền mới ở Thiên Tân, ông Faury tin rằng, việc bổ sung này sẽ đưa năng lực sản xuất ở Trung Quốc lên tương xứng với thị phần của nước này trong nhu cầu hàng không toàn cầu. Được biết, dây chuyền lắp ráp đầu tiên tại Thiên Tân, khánh thành năm 2008, hiện sản xuất 4 chiếc A320/tháng và tập đoàn đang đặt mục tiêu tăng lên 6 chiếc/tháng trong năm nay, qua đó khôi phục năng lực sản xuất trước Covid-19. Một khi dây chuyền mới đi vào hoạt động sẽ giúp Airbus nâng công suất lên 12 chiếc/tháng hoặc cao hơn và đây cũng là một phần trong mục tiêu chiến lược của Airbus nhằm nâng tổng sản lượng máy bay A320 và A321 toàn cầu lên 75 chiếc/tháng vào năm 2026, so với công suất 45 chiếc/tháng vào cuối năm 2022.

Cũng trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Macron tới Trung Quốc, Airbus đạt thỏa thuận khung với phía Trung Quốc về việc bàn giao 160 máy bay theo đơn đặt hàng trước đó cho Bắc Kinh. Thông báo này nhắc nhở rõ ràng việc Trung Quốc vẫn là thị trường rất quan trọng đối với các doanh nghiệp châu Âu, bất chấp sức ép từ Mỹ. Năm ngoái, các hãng hàng không Trung Quốc đặt hàng hơn 300 máy bay thân hẹp từ Airbus với tổng trị giá 40 tỷ USD.

Quyết tâm dẫn trước Boeing

Trong vài năm qua, Airbus và đối thủ lớn nhất, Boeing (Mỹ), đều đang phải vật lộn để tăng sản lượng sản xuất trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị hạn chế khi nhu cầu với máy bay chở khách tăng cao trở lại sau Covid-19. Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng trở thành thị trường trọng điểm đối với cả Airbus và Boeing. Theo thống kê, các hãng hàng không Trung Quốc chiếm 1/5 tổng số hàng mà Airbus đã giao cho khách. Airbus dự kiến mức ​​tăng trưởng 5,3%/năm cho đến năm 2041, cao hơn nhiều so với dự báo 3,6% trước đó.

Trước đây, Trung Quốc có xu hướng chia số đơn đặt hàng máy bay cho cả Airbus và Boeing nhưng nhiều năm trở lại đây, tiến trình đạt thỏa thuận giữa Bắc Kinh với hãng sản xuất máy bay của Mỹ chậm lại đáng kể do căng thẳng chính trị, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Do đó, Airbus vượt qua Boeing trở thành đối tác cung cấp máy bay hàng đầu cho Trung Quốc. Boeing chỉ giao 12 máy bay cho khách hàng Trung Quốc vào năm ngoái, so với 95 chiếc của Airbus, và chỉ nhận 18 đơn đặt hàng mới tại Trung Quốc kể từ năm 2018. Tuy vậy, nỗ lực xâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này cũng đặt Airbus vào cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Được biết, chính phủ nước này đang tăng nguồn đầu tư vào Tập đoàn hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC),  phát triển máy bay phản lực thân hẹp C919 để cạnh tranh với A320 của Airbus và B737 của Boeing.

Kế hoạch khai trương dây chuyền lắp ráp thứ hai của Airbus tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của Ấn Độ, quốc gia tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Tháng 3-2023, Bộ trưởng Hàng không Ấn Độ kêu gọi cả Airbus và Boeing thành lập các dây chuyền lắp ráp tại Ấn Độ sau khi một số hãng hàng không của quốc gia này đặt hàng số lượng máy bay kỷ lục với cả hai hãng.

THƯ LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.