Ngành du lịch của các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến hồi phục mạnh mẽ trong năm 2023 sau thời gian dài “ngủ đông” do Covid-19. Một số nước châu Á đang lên kế hoạch thu phí du lịch nhằm phục hồi doanh thu và hướng đến môi trường du lịch bền vững. Tuy nhiên, tính toán này đang đối mặt những phản ứng trái chiều.
Núi lửa Seongsan Ichulbong không chỉ là di sản thế giới mà còn là điểm du lịch nổi tiếng tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Ảnh: AFP |
Theo Euronews, trong kế hoạch phục hồi doanh thu, chống tình trạng quá tải và bảo vệ môi trường, một số nước đang có tâm lý hướng đến thu hút khách du lịch dựa trên “chất lượng hơn số lượng”. Đầu năm nay, Thái Lan thông qua quy định thu khoản lệ phí du lịch đối với du khách quốc tế nhập cảnh từ ngày 1-6.
Theo Bangkok Times, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, khoản phí này đa phần sẽ dùng để trang trải chi phí bảo hiểm và chăm sóc y tế cho khách du lịch, nhằm bảo vệ an toàn, quyền lợi cho du khách. Một phần khác trong mức phí sẽ được dùng cho kế hoạch phát triển các địa điểm du lịch địa phương.
Mức phí áp dụng khách du lịch quốc tế lần lượt là 150 baht (khoảng 100.000 đồng) và 300 baht (khoảng 200.000 đồng). Trong đó, du khách di chuyển bằng đường hàng không thì phải chịu mức phí cao hơn là 300 bath, còn du khách đến Thái Lan bằng đường bộ thì sẽ chịu mức phí thấp hơn chỉ 150 baht.
Tương tự, theo The Straits Times, nhằm tìm cách hạn chế sức ép về vệ sinh và môi trường do quá tải khách du lịch, chính quyền đảo Jeju (Hàn Quốc) cũng dự tính áp đặt phí du lịch. Cụ thể, khách du lịch dự kiến phải trả trung bình 8.170 won (6,2 USD)/ngày để vào “Hawaii của châu Á”, bao gồm phí lưu trú trên đảo là 1.500 won /đêm. Ngày 16-4, chính quyền Jeju cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, ngân sách sẽ bổ sung 141 tỷ won sau năm đầu tiên và 167 tỷ won trong năm thứ hai. Trong thời gian qua, Jeju ghi nhận tình trạng quá tải rác thải và nước thải cùng với làn sóng lớn khách du lịch đổ tới đây. Chính thực trạng này thôi thúc chính quyền xem xét thực hiện thu phí du lịch để hỗ trợ tính bền vững của môi trường.
Cũng trong động thái “nối gót”, theo Jakarta Post, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, Sandiaga Uno, mới đây cho biết, Chính phủ đang xem xét đánh thuế du lịch. Lý giải về kế hoạch này, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan cho rằng, Bali là một trong những điểm đến du lịch rẻ nhất thế giới và điều này đã khuyến khích nhiều du khách nước ngoài có thu nhập thấp đến Bali, dẫn đến gia tăng hành vi sai lệch của một số khách du lịch.
Các vi phạm bao gồm lạm dụng thị thực và giấy phép cư trú, ở quá hạn, gây rối trật tự công cộng, cư xử không đúng mực và không tuân thủ các quy định của nước này. Theo quan chức này, đã đến lúc Bali nên chuyển hướng khỏi du lịch đại trà và tập trung xây dựng điểm đến du lịch chất lượng, trong đó tập trung thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hạng sang.
Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình thu phí du lịch ở các điểm đến nói trên sẽ không thuận lợi và không dễ dàng trong bối cảnh dư luận có phản ứng trái chiều về vấn đề này. Giới kinh doanh Indonesia lo ngại việc áp thuế vô hình trung sẽ làm giảm lượng khách tới nước này, gây tổn hại lớn cho ngành du lịch, đặc biệt vào thời điểm chưa hoàn toàn phục hồi hậu Covid-19. Một số người dân Hàn Quốc cũng bày tỏ sự không hài lòng trên mạng xã hội, nói rằng các khoản phí du lịch tại nước này là thái quá.
Trong khi đó, kế hoạch thu phí thậm chí được một bộ phận khách du lịch hưởng ứng. Chẳng hạn, một số khách du lịch cho rằng mức phí vào Jeju là hợp lý và điều này không ảnh hưởng đến kế hoạch thăm Jeju sắp tới của họ. “Đó là một khoản phí vừa phải, và thành thật mà nói, nếu nó giúp bảo vệ môi trường của đảo Jeju, thì tôi không thấy có vấn đề gì”, một khách du lịch người Singapore chia sẻ với The Straits Times.
Ở hầu hết các quốc gia, thu thuế du lịch thường thông qua các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú hoặc công ty đặt phòng và doanh thu sẽ được dùng để cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên năm nay, một số điểm đến đang tăng các loại thuế trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục leo thang.
Phí du lịch vốn đã tồn tại từ rất lâu ở một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bỉ, Đức... như là cách để các địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và bảo tồn văn hóa. Tại châu Á, Bhutan, Malaysia và Maldives đã áp dụng cơ chế này. Tại Mỹ, các nhà lập pháp Hawaii cũng cân nhắc khoản “phí xanh” 40 USD hoặc 50 USD đối với khách du lịch để bảo vệ tốt hơn tài nguyên thiên nhiên tại đây.
THƯ LÊ