Tình trạng số lượng các quốc gia đang phát triển có nguy cơ khủng hoảng nợ tăng lên mức cao kỷ lục sẽ là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của các Thống đốc ngân hàng trung ương, Bộ trưởng Tài chính và các nhà lãnh đạo chính trị tại cuộc họp do Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức vào tuần tới.
Theo Reuters, lạm phát bùng nổ, chi phí đi vay leo thang và đồng USD mạnh khiến việc trả nợ và huy động dòng tiền trở nên đắt đỏ hơn đáng kể đối với hàng chục quốc gia đang phát triển. Những yếu tố bất lợi này thậm chí đẩy một số nước vào tình trạng vỡ nợ vào năm ngoái. Một số quốc gia đáng chú ý nhất đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ hoặc đã vỡ nợ đối với các khoản vay quốc tế gồm Ai Cập, El Salvador, Ghana, Lebanon, Malawi, Pakistan, Tunisia, Sri Lanka, Ukraine và Zambia. Được biết, kinh tế Ai Cập dựa nhiều vào du lịch của Ai Cập chịu đòn giáng mạnh từ Covid-19 và giá năng lượng, lương thực tăng cao. Việc này khiến họ thiếu USD và chật vật trả nợ. Lạm phát tại đây hiện trên 30%, mức cao nhất hơn 5 năm.
Trong khi đó, IMF ước tính Ukraine cần 3-4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động và việc tái thiết kinh tế dự kiến tốn 411 tỷ USD. Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner kêu gọi gia tăng biện pháp khẩn cấp hỗ trợ 52 nước đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
THƯ LÊ