Sau quyết định cấm ChatGPT của Ý đưa ra hồi tuần trước, nhiều nước châu Âu bắt đầu tham khảo lệnh cấm này và khả năng cao sẽ làm điều tương tự.
Theo Reuters, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Ý đã chặn các hoạt động của ChatGPT tại nước này với lý do ứng dụng đã không kiểm tra tuổi của người dùng, cũng như không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào biện minh cho việc thu thập và lưu trữ lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ. Sau động thái trên, các cơ quan quản lý quyền riêng tư ở Pháp và Ireland liên hệ với đối tác ở Ý để tìm hiểu thêm về cơ sở của lệnh cấm. Tờ Handelsblatt dẫn lời ủy viên phụ trách bảo vệ dữ liệu người dùng của Đức cho biết, nước này có thể “nối gót” Ý bằng cách chặn ChatGPT vì lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Nỗi lo ngại không chỉ giới hạn ở châu Âu khi Văn phòng các vấn đề quyền riêng tư của Canada (OPCC) ngày 4-4 quyết định điều tra công ty OpenAI, chủ sở hữu ChatGPT, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại về thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý của người dùng. Tại Úc, một thị trưởng ở bang Victoria tuyên bố khởi kiện nếu OpenAI không đính chính thông tin sai sự thật trên ChatGPT cho rằng ông từng nhận hối lộ. Sau khi ra mắt vào tháng 11-2022, ChatGPT đã tạo nên “cơn sốt công nghệ”. Tuy nhiên, những khả năng vượt trội này của ChatGPT cũng gây tranh cãi trong dư luận khi các nhà hoạch định chính sách lo ngại nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.
GIA NGHI