Chuyển động đan xen ở "chảo lửa" Trung Đông

.

Nhiều thập niên qua, Trung Đông là vùng đất mà “hòa bình” được ví như món quà xa xỉ đối với người dân của nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện nay, điểm nóng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế là cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Ngày 9-4, chính quyền Palestine (PA) lên tiếng chỉ trích hành động của Israel mà PA cho rằng đã xâm phạm đền thờ Al-Aqsa (phía Israel gọi là Núi Đền) ở Đông Jerusalem và tấn công các tín đồ Hồi giáo nhằm xua đuổi họ ra khỏi nơi này. Vụ việc đang thổi bùng căng thẳng tình hình khu vực.

Bên cạnh đó, sự căng thẳng giữa Israel với các nước trong khu vực như Iran, Syria và Lebanon đang diễn ra. Thậm chí mới đây, nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của mình, ngày 7-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký sắc lệnh huy động lực lượng cảnh sát và quân đội dự bị, một động thái được cho là có nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn như năm 1967.

Giữa Israel với các bên liên quan cũng đã tiến hành nhiều thỏa thuận ngừng bắn, thậm chí ký hiệp ước hòa bình giữa Israel - Palestine để tiến tới hai nhà nước cùng tồn tại được cộng đồng quốc tế thúc đẩy. Tuy nhiên, cho đến nay, tiếng súng vẫn chưa nguôi.

Trong khi đó, điểm nóng Syria đã kéo dài hơn 10 năm qua vẫn chưa hạ nhiệt. Quốc gia này không những thường xuyên hứng chịu các vụ tấn công bằng tên lửa của Israel vào thủ đô Damascus mà còn chứng kiến các vụ đối đầu giữa quân đội Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ với các phần tử khủng bố lẫn lực lượng dân quân người Kurd trên lãnh thổ của mình đang gia tăng ở mức đáng lo ngại.

Các nhà quan sát cho rằng, vòng xoáy bạo lực ở Syria lâu nay được cho là điển hình về một Trung Đông thu nhỏ, với sự cạnh tranh chiến lược giữa Nga với Mỹ và các đồng minh phương Tây; giữa các cường quốc trong khu vực gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel; tranh chấp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ; nội chiến giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do Nga ủng hộ với phe đối lập Liên minh dân chủ Syria (SRGC) do Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ; và cuộc chiến chống Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)…

Tuy vậy, đi cùng với những bất ổn trên, việc Iran và Saudi Arabia đang xúc tiến việc mở lại đại sứ quán tại quốc gia của nhau được xem là tín hiệu tốt, góp phần mang lại hòa bình và sự ổn định cho khu vực. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Iran và Saudi Arabia, giữa Syria với Ai Cập…với những bước tiến đáng kể trong những tuần gần đây sẽ mở ra nhiều cơ hội để giải quyết hàng loạt cuộc xung đột.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad có chuyến công du tới Ai Cập, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Syria tới Cairo trong hơn một thập niên qua. Đây là dấu hiệu mới nhất về việc các nước Arab hướng tới hàn gắn quan hệ với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Chuyến đi này nhằm tạo nền móng cho việc Syria quay lại Liên đoàn Arab (AL) thông qua vai trò trung gian của Ai Cập và Saudi Arabia.

Đặc biệt, ngày 9-4, phái đoàn Saudi Arabia tới thủ đô Sanaa (Yemen) để bàn luận về thỏa thuận ngừng bắn mới với lực lượng phiến quân Houthi. Trước đó, một nguồn tin yêu cầu giấu tên trong Chính phủ Yemen tiết lộ rằng Saudi Arabia và Houthi đã nhất trí về mặt nguyên tắc thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tháng để mở đường cho tiến trình đàm phán diễn ra trong 3 tháng nhằm thiết lập quá trình chuyển tiếp trong vòng 2 năm dành cho Yemen.

Có thể nói, việc các nước trong khu vực Trung Đông gần đây thúc đẩy đối thoại, hóa giải các bất đồng với nhau để ngăn chặn hoặc chấm dứt xung đột, ổn định tình hình, thiết lập nền hòa bình bền vững là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.