EU với đạo luật toàn diện về tiền kỹ thuật số

.

Nghị viện châu Âu (EP) vừa phê duyệt gói quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm ngăn chặn sử dụng tiền kỹ thuật số cho các giao dịch bất hợp pháp, qua đó đặt nền móng cho tính pháp lý của các đồng tiền ảo.

Biểu tượng đồng tiền kỹ thuật số. Ảnh: World Finance
Biểu tượng đồng tiền kỹ thuật số. Ảnh: World Finance

Động thái này giúp Liên minh châu Âu (EU) đi trước Mỹ và Vương quốc Anh một bước khi những nước này vẫn chưa đưa ra các quy tắc chính thức cho không gian tiền điện tử.

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên trên thế giới

Theo Reuters, ngày 20-4, với 517 phiếu thuận và 38 phiếu chống, EP phê chuẩn cơ chế cấp phép tiền kỹ thuật số (MiCA); đồng thời thông qua đạo luật khác quy định về chuyển quỹ, yêu cầu các công ty tiền kỹ thuật số phải xác minh khách hàng nhằm ngăn chặn rửa tiền. Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7-2024, sau khi các nước thành viên thông qua luật.

Quy định mới nhằm bảo đảm cơ quan chức năng có thể truy vết tài sản tiền kỹ thuật số; ngăn chặn hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động tội phạm khác. Các nhà cung cấp dịch vụ liên quan tiền kỹ thuật số lớn phải bảo vệ tài sản của khách hàng và chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ làm mất tài sản. Ngoài ra, họ phải tiết lộ mức tiêu thụ năng lượng, vì thường hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số thải ra lượng khí thải rất lớn.

Trên Twitter, Ủy viên châu Âu về ổn định tài chính và vốn thị trường Mairead McGuinness cho biết, đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trên thế giới về các quy định đối với tiền kỹ thuật số. Bà McGuinness nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của thị trường”. Nghị sĩ Stefan Berger, người đứng đầu các cuộc đàm phán về đạo luật, cho biết quy định mới sẽ đưa EU lên vị trí dẫn đầu của nền kinh tế mã hóa.

Ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số của châu Âu được quản lý rõ ràng và điều này chưa từng tồn tại ở các nước như Mỹ. Lĩnh vực vốn bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX giờ đây có thể lấy lại uy tín. CEO Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance, cho biết công ty sẵn sàng điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong thời gian tới để có thể tuân thủ đầy đủ các quy định của EU.

Xu thế tất yếu

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đồng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ Blockchain nhanh chóng xuất hiện, mở ra dịch vụ tiện ích thông minh mới, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời giúp kiểm soát vấn đề tiền giả, rửa tiền, tài trợ khủng bố… Trước xu thế tất yếu này, nhiều nước đang thử nghiệm hoặc phát hành đồng tiền kỹ thuật số để thay thế dần đồng tiền giấy.

Ngày 11-3, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết: “Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ xem xét cách tốt nhất để giúp các nước đang phát triển ra mắt các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có nguyên tắc chính sách công của G7 đối với CBDC bán lẻ. Đây sẽ là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại G7 năm nay do Nhật Bản chủ trì.

Từ tháng 4-2023, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) triển khai đợt thử nghiệm mới về tính khả thi của CBDC. BoJ sẽ tập trung nghiên cứu thách thức kỹ thuật trong trường hợp phát hành “đồng yen kỹ thuật số”, trong đó có vấn đề liên quan đến sử dụng CBDC trên điện thoại thông minh và thiết bị cá nhân khác trong lúc hệ thống của BoJ sẽ liên kết với các tổ chức tài chính tư nhân. Tương tự, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc cũng thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý và giám sát.

Các nhà quản lý cảnh báo những thách thức mà công nghệ kỹ thuật số mang đến, gồm nguy cơ an ninh mạng, lan truyền thông tin sai lệch, chia rẽ xã hội và chính trị cũng như nguy cơ gây bất ổn thị trường tài chính. Đáng chú ý, sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào năm ngoái cho thấy các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra các quy định xuyên biên giới.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lên kế hoạch hành động về cách thức các quốc gia ứng xử với tài sản tiền kỹ thuật số, trong đó đề nghị không công nhận tính pháp lý của tiền mã hóa như bitcoin là tiền pháp định. Trong khi đó, Duma Quốc gia (Quốc hội) Nga vừa thông qua dự luật đầu tiên tạo cơ sở pháp lý cho sử dụng đồng ruble kỹ thuật số.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.