Mỹ khó lôi kéo đồng minh trong cạnh tranh với Trung Quốc

.

Tuần này, khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước cùng về Washington (Mỹ) dự các hội nghị do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có tín hiệu cho thấy sự cởi mở.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tháng 11-2022. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tháng 11-2022. Ảnh: AP

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo nên bối cảnh không thuận lợi cho những hội nghị bởi lẽ các nhà hoạch định chính sách phải chật vật chống chọi với sự bất ổn kinh tế trước tác động của lạm phát còn tăng, sự quan ngại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sau các vụ sụp đổ gần đây và tác động từ xung đột Nga - Ukraine.

Đồng minh của Mỹ lo ngại về kinh tế

Quan hệ giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới trở nên căng thẳng hơn trong tuần qua. Thực tế cho thấy, khi Trung Quốc đang giữ vị thế ngày càng lớn hơn trong các tổ chức đa phương như WB, các đồng minh của Mỹ bày tỏ công khai hơn trong các phát biểu về bức xúc khó khăn kinh tế có thể xảy ra trong tương lai nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục có động thái cố gắng cô lập Trung Quốc.

“Hầu như không có đồng minh nào của Mỹ hoàn toàn ủng hộ ý tưởng về cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc”, Politico dẫn lời ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), nhận định. Một trong những ví dụ điển hình là sau cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu tránh xa các xung đột có thể xảy ra giữa hai nền “kinh tế đầu tàu” của thế giới. Trong bài bình luận xuất bản ngày 10-4, The Hill cũng giật tít: “Ông Biden phải tìm cách đối thoại với ông Tập Cận Bình trước khi thế bế tắc trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở nên không thể hòa giải”.

Bài báo cho rằng, các chính sách kiềm chế của Washington với Bắc Kinh như kiểm soát hàng xuất khẩu để ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chip máy tính tiên tiến nhất liên quan thuật toán máy học, hay ngăn các công ty Trung Quốc thâm nhập thị trường Mỹ, đều là cách tiếp cận đặt ra nhiều rủi ro đối với Mỹ. Ba rủi ro mà The Hill nêu ra gồm: thứ nhất: sẽ thúc đẩy quyết tâm tự cường của Trung Quốc trong khoa học và công nghệ; thứ hai: việc chính phủ Mỹ đang xúc tiến quá nhanh cách tiếp cận đó trong khi vẫn chưa thuyết phục thành công các đồng minh tham gia trên mặt trận thống nhất; thứ ba: Trung Quốc có thể trả đũa bằng các đòn trừng phạt nhắm vào sản phẩm và doanh nghiệp của Mỹ.

Cần sự chân thành tin cậy

Sau khi một số tờ báo Mỹ đăng bài về nguy cơ trở nên “đơn độc” của Washington trong chiến lược lôi kéo đồng minh để ứng phó với Bắc Kinh, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 11-4 cũng có bài bình luận về nội dung này. Với tựa đề “Mỹ phát tín hiệu muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc nhưng cần “sự chân thành tin cậy”; Washington sẽ là “sói đơn độc” trong “cuộc chiến tranh lạnh mới” với Trung Quốc”, tờ báo này cho rằng, không chỉ là các đồng minh chủ chốt, trong đó có Pháp, không ủng hộ chiến lược chia tách và kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, mà ngay cả các công ty lớn của Mỹ như Intel và Tesla, cũng miễn cưỡng thực thi chính sách “sai lầm” của Washington. Bài báo dẫn lại phát biểu của ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ngày 10-4 cho biết, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang ở mức cao và Washinton muốn cải thiện tình trạng này và đang cố gắng thu xếp đối thoại giữa lãnh đạo hai nước.

Tuy nhiên bài báo cũng nêu quan điểm của Bắc Kinh trước yêu cầu đối thoại của Washington với phát biểu ngày 11-4 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: “Phía chịu trách nhiệm cho khó khăn hiện nay trong quan hệ song phương không phải ở Trung Quốc”. Ông Uông cũng nhắc lại các yêu cầu của Bắc Kinh để hai bên có thể cải thiện quan hệ: “Phía Mỹ cần dừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chấm dứt gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc; đồng thời ngừng phá hoại nền tảng chính trị cho quan hệ song phương”.

Ông Tian Yun, chuyên gia kinh tế ở Bắc Kinh nhận định, các tín hiệu trên của Nhà Trắng cho thấy, Mỹ muốn hâm nóng quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi nước này đang vướng vào khó khăn kinh tế và tài chính trong khi Trung Quốc bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để nối lại mối quan hệ kinh tế, chính quyền ông Biden phải thể hiện sự chân thành đáng tin cậy bằng những hành động cụ thể.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.