Những "khoảng trống" trong vụ lộ tài liệu mật của Mỹ

.

Bộ Tư pháp Mỹ đang khẩn trương điều tra vụ khoảng 100 tài liệu mật của quân đội và tình báo Mỹ từ Lầu Năm Góc bị tung lên mạng. Nếu vụ rò rỉ là thật, đó sẽ là vụ lộ thông tin tình báo cấp độ lớn và hé lộ những góc khuất về vai trò của Mỹ trong việc “chống lưng” cho Ukraine trong xung đột với Nga và các vấn đề địa chính trị quan trọng khác. Cho tới lúc này, nguồn gốc và động cơ của vụ việc  còn rất mơ hồ.

Một trong số khoảng 100 tài liệu được đánh dấu mật hoặc tối mật bị tiết lộ trên mạng internet. Ảnh: Dzen.ru
Một trong số khoảng 100 tài liệu được đánh dấu mật hoặc tối mật bị tiết lộ trên mạng internet. Ảnh: Dzen.ru

New York Times là tờ báo đầu tiên tiết lộ vụ rò rỉ, trong đó cho biết tình báo Mỹ đã thâm nhập vào nhóm tình báo của quân đội Nga và cũng do thám các đồng minh Israel, Hàn Quốc và Ukraine. Giới chức Mỹ vẫn đang xác thực các tài liệu rò rỉ và các cơ quan chức năng đang phối hợp đánh giá tác động của vụ việc đối với an ninh quốc gia Mỹ, các đồng minh và đối tác của họ. Cho đến nay, cách ứng xử của chính phủ Mỹ cho thấy dường như họ xem những tài liệu này là thực.

Những thông tin mới tiếp tục rò rỉ

Từ khi những tài liệu mật bị phát tán, các nhà báo điều tra quốc tế nỗ lực truy lùng, giải mã các thông tin mới. Theo đó, những tình tiết mới liên quan vụ việc tiếp tục được tiết lộ. Mới nhất, tối 10-4, Washington Post đăng bài báo cho biết, Ai Cập đã bí mật lên kế hoạch gửi rocket cho Nga.

Theo đó, tháng 2-2023, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi dự kiến sản xuất 40.000 quả rocket cho Nga, đồng thời chỉ đạo các quan chức giữ bí mật về việc sản xuất cũng như vận chuyển số rocket này cho Moscow để tránh các rắc rối với phương Tây. Đây là một phần trong tài liệu đóng dấu tuyệt mật đề ngày 17-2 của tình báo Mỹ, trong đó tóm tắt cuộc trao đổi giữa ông Sisi với các quan chức quân sự cao cấp của Ai Cập.

Trả lời Washington Post về sự việc này, Đại sứ Ahmed Abu Zeid, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ai Cập, khẳng định: “Lập trường của Ai Cập ngay từ đầu là dựa vào quan điểm không tham gia trong cuộc khủng hoảng này và cam kết duy trì khoảng cách như nhau với cả hai bên, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Ai Cập với Hiến chương Liên Hợp Quốc  (LHQ) và luật pháp quốc tế nêu trong các nghị quyết của Đại hội đồng Bảo an LHQ”.

CNN dẫn lời ông James Clapper, cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ cho rằng, vụ rò rỉ lần này không nghiêm trọng như vụ tiết lộ tài liệu mật năm 2013 của ông Edward Snowden, cựu nhân viên của Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mỹ. Dù 100 tài liệu bị lộ cũng đã là nhiều, nhưng theo Vox, nó vẫn còn ít hơn so với số tài liệu bị những “người thổi còi” trước đây là Chelsea Manning (cựu chuyên viên phân tích tình báo quân sự Mỹ) hay Edward Snowden tiết lộ.

Lầu Năm Góc bất lực trước vụ rò rỉ?

Mặc dù hình ảnh các tài liệu mật bắt đầu bị rò rỉ trên các kênh Telegram của Nga từ cuối tuần trước, nhưng nhóm nhà báo điều tra Bellingcat lưu ý, họ đã thấy chúng xuất hiện trên Discord (nền tảng nhắn tin phổ biến với các game thủ) từ đầu tháng 3-2023 và thậm chí một số trong đó được đăng từ tháng 1-2023, và sau đó cũng xuất hiện trên nền tảng 4chan.

Các nhà quan sát cho rằng, vụ rò rỉ có thể sẽ vượt tầm kiểm soát của Lầu Năm Góc. Tính riêng tư của một số nhóm chat như trên Discord cũng đồng nghĩa họ có thể dễ dàng thoát khỏi sự kiểm duyệt. Ngày 8-4, các tài liệu mật của Lầu Năm Góc về tình hình Ukraine vẫn tiếp tục xuất hiện trên Twitter. Không có dấu hiệu nào cho thấy tỷ phú Elon Musk, CEO Twitter, sẽ có biện pháp ngăn chặn những dòng tweets chứa tài liệu mật.

Theo New York Times, Twitter và nền tảng truyền thông xã hội Discord có nhiều chính sách khác nhau cho phép họ xóa tài liệu bị rò rỉ chứa những thông tin quan trọng về hoạt động tình báo của Mỹ. Tuy nhiên, các “vùng xám” trong những quy định này và việc thực thi không đồng đều khiến quyết định của những nhà điều hành trở nên khó đoán hơn. Hiện không rõ các công ty có lựa chọn xóa những tài liệu này hay không và bằng cách nào.

Giới quan sát đang chú ý tới một số thông tin được “tiết lộ” từ những tài liệu mật. Trước hết là thông tin cho rằng, tới tháng 5-2023, Ukraine có thể hết tên lửa cho các hệ thống phòng không thiết yếu, điều này làm dấy lên những ngờ vực về khả năng Kiev có thể giành được lợi thế quan trọng trong năm nay.

Tài liệu cũng nói Mỹ đã và đang do thám Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và các đồng minh khác gồm Israel và Hàn Quốc. Tới nay, Kiev vẫn ngờ vực về tính xác thực của vụ rò rỉ. Israel cũng bác bỏ thông tin nói cơ quan tình báo Mossad ủng hộ nhóm biểu tình chống chính phủ trong nước. Trong khi đó, Hàn Quốc yêu cầu sự giải thích về cuộc trao đổi bị lộ giữa các quan chức quốc phòng về việc trang bị vũ khí cho Ukraine.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.