OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu

.

Một loạt nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5-2023 cho đến cuối năm nay để phòng ngừa bất ổn trên thị trường thế giới. Đây là động thái có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt, đồng thời “chọc giận” các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là Mỹ.

Các nước OPEC+ sẽ giảm thêm tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5-2023 cho đến cuối năm nay. TRONG ẢNH: Một cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia.  Ảnh: Saudi Plastics & Petrochemicals
Các nước OPEC+ sẽ giảm thêm tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5-2023 cho đến cuối năm nay. TRONG ẢNH: Một cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia. Ảnh: Saudi Plastics & Petrochemicals

Cam kết mới này nâng tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu. Hồi cuối năm ngoái, OPEC+ đồng ý cắt giảm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11-2022 cho đến cuối năm nay.

Vì sao tiếp tục siết chặt nguồn cung?

Theo Reuters, Nga sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình tháng 2-2023 cho tới cuối năm nay. Tương tự, Saudi Arabia sẽ giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong khi chính phủ các nước Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng công bố các mức giảm lần lượt 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm nay. Dù khối lượng giảm lần này chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số hơn 100 triệu thùng dầu mà toàn cầu sử dụng mỗi ngày nhưng tác động lên giá dầu có thể vẫn rất lớn.

Lý giải về quyết định trên, Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, tuyên bố việc cắt giảm tự nguyện là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp ổn định thị trường dầu mỏ. OPEC+ đang hành động kịp thời để ngăn chặn kịch bản giá dầu lao dốc vào năm 2008 lặp lại. Lúc đó, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến mức trồi sụt giá dầu lớn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khi giá dầu rớt một mạch hơn 100 USD/thùng chỉ trong vài tháng.

“OPEC+ đang thực hiện các bước phủ đầu trong trường hợp nhu cầu toàn cầu về dầu có thể giảm sút”, ông Amrita Sen, Giám đốc Công ty tư vấn dầu mỏ Energy Aspects, nói.
Tuy nhiên, các nhà quan sát phương Tây cho rằng, quyết định của OPEC+ chỉ nhắm tới mục tiêu chính: tăng giá dầu trở lại. Tháng 3-2023, giá dầu giảm xuống 70 USD/thùng, mức thấp nhất trong 15 tháng do hàng loạt nguyên nhân từ khủng hoảng ngân hàng đến đình công ở Pháp.

Theo CNBC, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/ thùng nếu nhu cầu của Trung Quốc quay trở lại mức 16 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay và nguồn cung của Nga bắt đầu giảm do lệnh trừng phạt. Những đợt cắt giảm như vậy tiếp tục diễn ra sẽ khiến cho thị trường sẽ trở nên thắt chặt quá mức. CNBC dẫn lời chuyên gia phân tích Tina Teng của Công ty CMC Markets cho rằng, giá dầu tăng thêm có thể đảo ngược đà suy giảm của lạm phát hiện nay, qua đó làm tăng thêm rủi ro suy thoái.

Mỹ sẽ can thiệp

Quyết định của OPEC+ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa tổ chức này với Mỹ khi Washington chỉ trích việc giảm sản lượng dầu là điều vô lý, nhất là trong thời điểm thị trường vẫn còn bấp bênh. Quan chức Mỹ lập luận, giá dầu cao hơn sẽ giúp Nga tăng nguồn thu trong lúc chiến sự Ukraine vẫn tiếp diễn. Hơn nữa, việc này diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử. Trước đó, Washington đã liên tục kêu gọi Saudi Arabia và các đồng minh tăng sản lượng để hạ giá dầu nhưng đều bị phớt lờ. “Việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ phản ánh quan điểm tiêu cực của tổ chức đối với nhu cầu dầu thô sau khủng hoảng ngân hàng và có thể gây áp lực buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải kéo dài chu kỳ tăng lãi suất trong thời gian tới để hạ nhiệt lạm phát”, chuyên gia ngân hàng Mizuho nói.

Theo Bloomberg, Mỹ sẽ có các biện pháp can thiệp để hạ giá dầu. Theo đó, nước này có thể xả kho dự trữ chiến lược; gây sức ép buộc doanh nghiệp trong nước tăng sản xuất; hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel; ủng hộ Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC). Ông Timm Schneider, chuyên gia phân tích tại The Schneider Capital Group, cho biết: “Vì Mỹ không thể ép buộc các nước OPEC+ nên họ sẽ chuyển hướng sang gây áp lực lên ngành dầu khí trong nước để thúc đẩy sản xuất dầu”. Một quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các hãng dầu và người tiêu dùng để bảo đảm thị trường năng lượng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạ giá cho người Mỹ”.

Giá dầu châu Á tăng mạnh

Giá dầu tại châu Á tăng 5 USD trong phiên sáng 3-4, ngay sau tuyên bố của OPEC+ về cắt giảm thêm sản lượng dầu. Theo đó, giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong gần một tháng là 84,95 USD/thùng vào lúc 7 giờ 39 phút (theo giờ Việt Nam), tăng 5,06 USD, hay 6,3%. Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023 là 80,47 USD/thùng, tăng 4,8 USD, hay 6,3%.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.