Phần Lan sẽ là thành viên mới của NATO

.

Sau nhiều tháng đàm phán giằng co, ngày 30-3, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước cuối cùng trong tổng số 30 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp thuận Phần Lan gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mở đường cho Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Chính phủ Phần Lan cho biết: “Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan cũng như cải thiện sự ổn định và an ninh ở khu vực biển Baltic và Bắc Âu”. Đầu tháng này, Phần Lan thực thi cam kết tiến hành trấn áp các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng. Đây chính là lý do để Helsinki nhận được sự ủng hộ của Ankara.

Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO, văn bản sẽ được trình cho Tổng thống Tayyip Erdogan phê duyệt. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó gửi hồ sơ chấp thuận thành viên mới cho Mỹ, nơi lưu ký của NATO theo thỏa thuận thành lập liên minh. Một khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chính thức mời Phần Lan trở vào liên minh, nước Bắc Âu sẽ phải gửi thêm đến Mỹ văn bản ký bởi Bộ Ngoại giao về chấp nhận gia nhập và thực thi hiệp ước, rồi trở thành thành viên chính thức của NATO. Tư cách thành viên NATO của Phần Lan cũng sẽ đánh dấu cho sự mở rộng đầu tiên của liên minh này kể từ khi Bắc Macedonia gia nhập NATO vào năm 2020.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, đặc biệt viện cớ Stockholm từ chối dẫn độ các thành viên đảng công nhân người Kurd (PKK), tổ chức mà Ankara coi là khủng bố, mặc dù quốc gia Bắc Âu phủ nhận mọi cáo buộc. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ đàm phán với Thụy Điển vì giận dữ trước các cuộc biểu tình vào tháng 1-2023, trong đó có vụ đốt kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Trước đó, ngày 27-3, Quốc hội Hungary cũng bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập của Phần Lan với tỷ lệ áp đảo nhưng chưa lên lịch bỏ phiếu cho trường hợp của Thụy Điển. Giới chức Budapest đang trì hoãn việc để Thụy Điển gia nhập NATO vì bất bình với những chỉ trích của Thụy Điển trước các chính sách của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Việc thu hẹp khoảng cách giữa Budapest và Stockholm sẽ cần nhiều cố gắng và nỗ lực của cả hai bên.

Như vậy, kịch bản Phần Lan và Thụy Điển “tay nắm tay” gia nhập NATO đã không thành hiện thực. Nhiều chuyên gia Thụy Điển lo ngại, việc kéo dài đàm phán tư cách thành viên NATO sẽ đặt Stockholm vào vị trí quân sự dễ bị tổn thương ở khu vực Biển Baltic. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập của Phần Lan và khuyến khích nước này nhanh chóng có quyết định tương tự đối với Thụy Điển. Washington cùng một số nước NATO kỳ vọng cả hai nước Bắc Âu có thể trở thành thành viên liên minh trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva) dự kiến diễn ra vào ngày 11-7.

Trong khi đó, Nga nhiều lần lên tiếng cáo buộc NATO vi phạm cam kết trước đó về việc không mở rộng về phía đông. Moscow cho rằng, NATO ngày càng cho thấy xu hướng đối đầu với nước này bằng cách tập hợp quân đội và vũ khí gần biên giới Nga trong nhiều năm. Động thái của đôi bên càng làm tình hình địa chính trị ở châu Âu trở nên phức tạp bội phần.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.