Chuyến thăm Hà Lan của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thu hút sự chú ý, một phần vì bài diễn văn quan trọng của ông vào ngày 11-4 tại The Hague tái khẳng định sự cấp thiết của quá trình “châu Âu tự chủ chiến lược”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải thích tầm nhìn của ông về tương lai của Châu Âu trong bài phát biểu tại The Hague (Hà Lan) ngày 11-4. Ảnh: Dailymail |
Đây là tầm nhìn táo bạo, quyết đoán của ông Macron về một châu Âu trong tương lai, qua đó cho thấy nhà lãnh đạo Pháp mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, qua đó trở thành thế lực cân bằng với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh thế giới phức tạp.
Những trụ cột chính
Trong bài phát biểu tại Viện Nexus (The Hague) chiều 11-4, Tổng thống Macron phác thảo tầm nhìn về tương lai châu Âu với sự tự chủ về kinh tế và công nghiệp dựa trên 5 trụ cột: khả năng cạnh tranh, chính sách công nghiệp, chủ nghĩa bảo hộ, cơ chế “có qua có lại” và thúc đẩy hợp tác. Theo ông Macron, châu Âu cần thúc đẩy sự hội nhập để tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm bớt hay đơn giản hóa các quy chế hiện có.
Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine là tác nhân lớn ảnh hưởng đến châu Âu, khiến “lục địa già” lộ rõ điểm yếu, trong đó có sự phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. “Chúng ta có thể thiết lập học thuyết an ninh kinh tế mới cho phép tạo việc làm, tài trợ các mô hình xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như bảo đảm quyền tự quyết mạnh mẽ hơn. Điều này rất quan trọng trong giai đoạn xung đột ở Ukraine tiếp diễn và kinh tế của chúng ta đang bị vũ khí hóa”, ông Macron nói.
Tiếp đến, ông Macron ủng hộ việc châu Âu xây dựng chính sách công nghiệp khuyến khích phát triển các công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu cũng như phòng ngừa nguy cơ đến từ công nghệ của Mỹ và Trung Quốc; xây dựng chiến lược công nghiệp xanh ở cấp độ toàn châu lục, tiến tới mục tiêu loại bỏ toàn bộ năng lượng hóa thạch. Châu Âu cũng cần phải xây dựng chủ nghĩa bảo hộ riêng trong một số lĩnh vực then chốt.
Đáng chú ý, ông Macron kêu gọi châu Âu cần phải gia tăng sự tự chủ chiến lược, tránh phụ thuộc vào đồng USD. Bên cạnh đó, cần có sự tương thích, cơ chế “có qua có lại” trong quan hệ giữa các nước thành viên EU cũng như trong quan hệ giữa châu Âu với các đối tác lớn nhằm xây dựng quan hệ thương mại công bằng. Cuối cùng, các nước châu Âu phải hợp tác để tập hợp toàn bộ sức mạnh của châu Âu, nhất quán các thiết chế về đầu tư và phát triển.
Hướng đến trở thành cực quyền lực thứ 3
Trả lời phỏng vấn Les Echos ngày 9-4, ông Macron kêu gọi châu Âu phải trở thành cực quyền lực thứ 3 trên thế giới, xác lập vị thế cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, thay vì bị cuốn vào các cuộc khủng hoảng bên ngoài và tránh phải thích ứng với chính sách của Mỹ hay phản ứng của Trung Quốc. Rõ ràng, ông Macron đang cố gắng xác lập “con đường thứ 3” của châu Âu. Theo đó, EU cần phải hướng đến việc tự đưa ra quyết định chứ không phải tuân theo các luật lệ do bên khác đưa ra.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Pháp quyết định “hâm nóng” lại kế hoạch tự chủ chiến lược của châu Âu đúng vào thời điểm nhạy cảm này. Các nhà phân tích cho rằng, chuyến công du Trung Quốc gần đây dường như khiến ông Macron nhận thức rõ sự phân cực ngày càng gay gắt trong quan hệ quốc tế, chủ yếu xoay quanh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động đến tất cả các bên và lợi ích kinh tế của châu Âu bởi Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại quan trọng của họ.
Theo Reuters, kế hoạch của ông Macron sẽ gặp nhiều rào cản và thách thức bởi nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là các nước vùng Baltic, Bắc Âu, Đông Âu, tỏ ra hoài nghi. Những nước này vốn coi quan hệ với Mỹ là bất khả xâm phạm, đặc biệt là do vai trò quan trọng của Washington về hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.
“Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ giữa châu Âu và Mỹ là nền tảng cho an ninh của chúng ta”, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky nói. Tương tự, ông Marcin Przydacz, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan, khẳng định Warsaw sẽ không ủng hộ bất kỳ sự chuyển hướng nào khỏi Washington. Ngoài ra, Pháp dường như khó có thể tìm tiếng nói chung với Đức, đầu tàu lãnh đạo EU, để cùng hiện thực hóa tầm nhìn do loạt khúc mắc giữa hai bên.
Theo Wall Journal Journal, quan điểm trên của tổng thống Pháp sẽ khiến Mỹ khó chịu khi vô hình trung làm suy yếu khả năng răn đe của Mỹ và Nhật Bản đối với Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương, đồng thời khuyến khích các chính trị gia ở Mỹ tìm cách giảm bớt các cam kết an ninh của Washington ở châu Âu.
THƯ LÊ