Thế giới đối mặt với nắng nóng kỷ lục

.

Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo, nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 có thể xác lập mức nhiệt độ cao kỷ lục do sự trở lại của hiện tượng El Nino, bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu phức tạp. Đáng chú ý, các mốc kỷ lục nhiệt độ đang bị phá vỡ ở nhiều nước châu Á khi đợt nắng nóng trong tháng 4-2023 tiếp tục hoành hành mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

12 người chết vì say nắng sau khi tham dự một sự kiện ở Navi Mumbai (bang Maharashtra-Ấn Độ) ngày 16-4. Ảnh: BBC
12 người chết vì say nắng sau khi tham dự một sự kiện ở Navi Mumbai (bang Maharashtra-Ấn Độ) ngày 16-4. Ảnh: BBC

Năm 2023 có thể nóng hơn năm kỷ lục 2016

Theo Reuters, các mô hình khí hậu cho thấy, sau 3 năm duy trì kiểu thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương vốn thường làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, thế giới sẽ ghi nhận sự quay trở lại của El Nino, hiện tượng khiến nhiệt độ tăng cao, vào cuối năm nay. “El Nino thường đi kèm với nhiệt độ tăng kỷ lục trên toàn cầu. Dù vẫn chưa biết điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024 nhưng tôi nghĩ, nhiều khả năng nó sẽ xảy ra”, ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), cho biết. Theo chuyên gia này, các mô hình khí hậu cho thấy, El Nino quay trở lại vào cuối mùa hè ở phương bắc và sẽ mạnh lên vào cuối năm.

Năm nóng nhất thế giới từng ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với thời điểm xuất hiện El Nino mạnh, bên cạnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sau đó, thế giới trải qua 8 năm nóng chưa từng thấy, phản ánh xu hướng ấm lên toàn cầu về dài hạn do phát thải khí nhà kính. Năm 2016 là năm nóng nhất trên trái đất kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê nhiệt độ vào năm 1880. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp có nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử. 

Ông Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết, nhiệt độ cao do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu ở các quốc gia vốn đang chịu ảnh hưởng, chẳng hạn như nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. “Nếu El Nino mạnh lên, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 khi xét đến việc thế giới tiếp tục ấm lên do con người vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, ông Otto cảnh báo.

“Sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử”

Theo USA Today, đợt nắng nóng khắc nghiệt trong tháng 4-2023 được mô tả là “sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á” xảy ra giữa lúc các kỷ lục nhiệt độ liên tục xác lập tại phần lớn khu vực phía nam và đông nam châu Á. Ở Đông Nam Á, một số nước công bố nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong tuần này. Luang Prabang (Lào) ghi nhận mức nhiệt 42,7°C trong tuần này, đánh dấu nhiệt độ cao nhất trong lịch sử nước này.

Tại Thái Lan, nhiệt độ đạt 44,6°C ở tỉnh Tak ngày 16-4, tương đương với kỷ lục trước đó ghi nhận được ở khu vực Mae Hong Son ngày 28-4-2016. Ngày 18-4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về nhiệt độ cao nguy hiểm ở nhiều vùng khác nhau và cảnh báo nhiệt độ có thể lên tới 52,3°C tại khu vực Bang Na (Bangkok). Đáng chú ý, sức nóng ở Thái Lan, cùng với sương mù dày đặc khiến mức độ ô nhiễm tăng đột biến ở nước này. Điểm nóng du lịch của Chiang Mai ở phía bắc được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong 7 ngày liên tiếp do khói từ cháy rừng và đốt cây trồng trên diện rộng làm suy giảm chất lượng không khí. Tương tự, tại Bangladesh, quốc gia nằm trên tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu, nhiệt độ tăng vọt trên 40°C ở thủ đô Dhaka ngày 15-4, ngày nóng nhất trong 58 năm, khiến mặt đường nóng chảy.

Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, có nguy cơ chạm đến giới hạn sinh tồn của con người khi phải trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt với tần suất thường xuyên hơn, làm dấy lên nguy cơ đẩy hàng triệu người bị kiệt sức hoặc say nắng. Ngày 18-4, nhiệt độ cao nhất vượt 44°C ở thành phố Baripada (bang Odisha). Bang miền đông West Bengal ra lệnh đóng cửa tất cả cơ sở giáo dục trong tuần này. Ngày 16-4, 12 người chết vì say nắng, trong khi gần 60 người khác phải nhập viện sau khi tham dự một sự kiện ngoài trời ở bang Maharashtra. Ngoài ra, tháng 2-2023 được ghi nhận là tháng nóng nhất ở nước này trong 122 năm qua. Ấn Độ là quốc gia chịu thiệt hại về lao động liên quan đến nắng nóng rõ rệt nhất trên thế giới. Phần lớn người lao động làm việc ngoài trời và không có biện pháp bảo vệ trước nắng nóng.

Các nhà khoa học cảnh báo đợt nắng nóng và khô hạn có thể khiến nhiệt độ cao kỷ lục một lần nữa trong năm nay tại châu Âu. Theo các chuyên gia, nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện cao hơn 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù hầu hết các nước phát thải lớn trên thế giới cam kết cắt giảm lượng khí thải ròng xuống 0, nhưng lượng khí thải CO2 vẫn tiếp tục tăng trên toàn cầu vào năm ngoái.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.