Toàn cảnh vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm ở Mỹ

.

Sau khi xuất hiện trên tờ The New York Times vào hôm 6-4, vụ rò rỉ tài liệu mật không chỉ làm chấn động Lầu Năm Góc, mà còn có thể làm tổn hại một số mối quan hệ đối ngoại quan trọng của Mỹ.

Lầu Năm Góc nhìn từ trên không. Ảnh: AFP
Lầu Năm Góc nhìn từ trên không. Ảnh: AFP

Khơi nguồn chấn động

The New York Times (NYT) đã trở thành tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ rò rỉ tài liệu mật ở Mỹ. Trong số ra vào ngày 6-4, NYT tiết lộ về kế hoạch bí mật của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm giúp Ukraine tiến hành cuộc phản công mùa xuân. Không phải NYT tiếp cận được với tài liệu gốc hay có nguồn tin cao cấp, mà là thông qua các tài liệu đã xuất hiện trên internet từ trước đó.

Trong số các tài liệu bị rò rỉ, có một tài liệu dán nhãn tuyệt mật, nói về tình trạng xung đột Nga - Ukraine tính tới ngày 1-3. Một tài liệu khác gồm các cột liệt kê các đơn vị quân đội, thiết bị và công tác huấn luyện của Ukraine, kèm lịch trình từ tháng 1 đến tháng 4-2023. Tài liệu chứa một bản tóm tắt về 12 lữ đoàn chiến đấu đang hình thành, trong đó có 9 lữ đoàn dường như do Mỹ và các thành viên NATO huấn luyện và cung cấp trang thiết bị. Trong số 9 lữ đoàn đó, tài liệu cho biết 6 lữ đoàn sẽ sẵn sàng vào ngày 31-3 và số còn lại sẵn sàng vào ngày 30-4.

Ngoài ra, theo tài liệu, mỗi lữ đoàn của Ukraine có khoảng 4.000 đến 5.000 quân và tổng số trang thiết bị cần thiết cho 9 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng cùng hơn 350 phương tiện cơ giới. Tài liệu còn nhấn mạnh thời gian phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine.

Vụ việc chưa dừng lại. Một hôm sau khi NYT đưa tin, trên mạng xã hội lại lan truyền những tài liệu mật mới. Lần này, các tài liệu mật được công bố trên 4chan, một nền tảng thông tin trực tuyến ẩn danh. Theo NYT, hơn 100 trang tài liệu đã được đăng tải, bao gồm các slide tóm tắt nhạy cảm của Mỹ về các chủ đề như Trung Quốc, các vấn đề quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố. Đáng chú ý là trong số tài liệu bị rò rỉ lần này có một slide đề ngày 23-2-2023, được dán nhãn “Secret/No Forn”, nghĩa là phía Mỹ sẽ không chia sẻ thông tin này với nước ngoài.

Trên thực tế, vụ việc bắt nguồn từ khoảng ngày 1-3, nhưng không thu hút được nhiều chú ý. Khi đó, có hơn 100 bức ảnh được đánh dấu "tuyệt mật" và các dạng bí mật khác theo phân loại đã xuất hiện trên bảng tin Discord của những người hâm mộ trò chơi điện tử Minecraft. Tuy rất nhiều bức ảnh trong số đó đã bị xóa, nhưng những người thu thập thông tin vẫn có thể tải xuống hơn 60 tài liệu.

Phần lớn tài liệu thuộc dạng tóm tắt, bao gồm phác thảo vị trí và hoạt động của lực lượng phòng không Ukraine như số lượng từng loại tên lửa phòng không và dự đoán khi nào quân đội Ukraine sẽ hết loại đạn nào. Bên cạnh đó còn có thông tin về một số điểm yếu của vũ khí do Mỹ viện trợ cho Ukraine, đặc biệt là cả lịch trình, đường bay của máy bay trinh sát của Mỹ và đồng minh thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đen.

Ngoài những thứ liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, các tài liệu bị rò rỉ còn bao gồm các bản sao các cuộc họp giao ban tình báo hàng ngày cung cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley; các báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) về lãnh đạo cơ quan tình báo Israel Mossad và nội dung các cuộc thảo luận trong chính phủ Hàn Quốc về việc bán đạn pháo cho Kiev… Đáng chú ý là không ít tài liệu bị rò rỉ chứa đựng chi tiết về các hành động trong tương lai.

Binh sĩ Ukraine bắn súng cối trên tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk ngày 26/3. Ảnh: AP
Binh sĩ Ukraine bắn súng cối trên tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk ngày 26/3. Ảnh: AP

Hệ luỵ khôn lường

Theo hãng tin Reuters của Anh ngày 10-4, cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đang khẩn trương điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật nêu trên. Lầu Năm Góc đã chuyển vấn đề này lên Bộ Tư pháp và một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành. Tất cả đang ở giai đoạn đầu và những người điều hành cuộc điều tra không loại trừ khả năng các phần tử thân Nga đứng sau vụ việc. Nhưng cho dù thế nào, như trả lời phỏng vấn Reuters của ông Michael Mulroy, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, “trọng tâm bây giờ là một vụ rò rỉ của Mỹ vì nhiều tài liệu chỉ nằm trong tay người Mỹ”. Và như vậy, các tài liệu bị rò rỉ có thể liên quan tới một người Mỹ. Nguồn tin của Reuters cũng cho hay cơ quan chức năng Mỹ đang xem xét động cơ nào mà một quan chức hoặc một nhóm quan chức Mỹ có thể làm rò rì thông tin nhạy cảm như vậy.

Trong khi chờ đợi xác minh mức độ xác tín cũng như tìm ra nguồn lộ lọt, những tài liệu bị rò rỉ dường như đã gây ra hậu quả trên thực tế. Ví dụ, hai tuần sau khi tài liệu về lịch trình, đường bay của máy bay trinh sát của Mỹ và đồng minh thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đen bị lan truyền trên mạng xã hội, vào ngày 14-3 đã xảy ra sự cố rơi máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ trên Biển Đen. Sau đó, phía Mỹ đã phải điều chỉnh đường bay của UAV ra xa không phận quanh Bán đảo Crimea và phần phía Đông Biển Đen.

Đối với Ukraine, sau vụ rò rỉ tài liệu nêu trên, vào ngày 7-4, Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky, đã triệu tập họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến các kế hoạch của lực lượng vũ trang Ukraine. Sau đó ba hôm, truyền thông Mỹ trích dẫn các nguồn tin thân cận với Tổng thống Zelenksy cho biết Kiev đã thay đổi một số kế hoạch quân sự.

Về phía Hàn Quốc, vào hôm 9-4, Văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với phía Mỹ, xem xét tiền lệ liên quan tới các nước khác để đưa ra phản ứng. Dẫu vậy, đảng Dân chủ (DP) đối lập vẫn yêu cầu Quốc hội lập tức triệu tập cuộc họp của các ủy ban chỉ đạo, đối ngoại, tình báo và quân đội để bàn về vấn đề này. Nghị sỹ Park Hong Keun, lãnh đạo DP tại Quốc hội còn yêu cầu Mỹ phải đưa ra lời "xin lỗi lịch sự" nếu thông tin trên là đúng. Như vậy có thể vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ chứa thông tin thu thập được từ việc nghe lén đặt Hàn Quốc vào thế khó xử trong quan hệ với Mỹ bởi hai tuần nữa, ông Yoon Suk-yeol sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington.

Nói tóm lại, giống như nhận định của đài CNN, các tài liệu mật bị rò rỉ trực tuyến gần đây đã cung cấp một cửa sổ hiếm hoi về cách Mỹ do thám các đồng minh cũng như đối thủ. Vụ việc khiến các quan chức Mỹ vô cùng lo lắng về khả năng những tiết lộ này sẽ gây nguy hiểm cho các nguồn tin nhạy cảm và làm tổn hại các mối quan hệ đối ngoại quan trọng. Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, sự kiện đang trở thành một trong những vụ bê bối tình báo gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ. Mặc dù một số tài liệu đã xuất hiện từ hai tháng trước, nhưng việc tiết lộ chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng thời, các tài liệu dường như cũng có thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Israel, Hàn Quốc và Anh. Do đó, vụ rò rỉ có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn thế giới.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.