Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một cựu tổng thống bị truy tố hình sự. Vụ việc của ông Donald Trump đã thu hút chú ý đặc biệt của truyền thông Mỹ và quốc tế.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) tại phiên xét xử của Tòa án hình sự Manhattan ở thành phố New York ngày 4-4-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tờ New York Times ngày 30-3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan (New York) truy tố sau cuộc điều tra về khoản chi 130.000 USD để ém nhẹm mối quan hệ với nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels.
Theo bản cáo trạng vừa được mở niêm phong ngày 4-4, ông Trump bị buộc tội 34 tội danh liên quan tới làm giả hồ sơ kinh doanh. Các cáo buộc đều liên quan tới khoản thanh toán 130.000 USD do luật sư riêng của ôngTrump khi đó là Michael Cohen trả cho bà Stormy Daniels vào cuối tháng 10-2016, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.
Cụ thể, các công tố viên đã cáo buộc ông Trump tham gia âm mưu bất hợp pháp nhằm phá hoại tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Họ cáo buộc ông dính líu tới kế hoạch ngăn chặn thông tin tiêu cực, trong đó có cả khoản thanh toán 130.000 USD nói trên.
Theo các công tố viên, ông Trump đã làm giả hồ sơ kinh doanh một phần là để có lợi cho quá trình tranh cử tổng thống của mình. Mỗi cáo buộc hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt đều liên quan đến một thông tin cụ thể được nhập vào hồ sơ kinh doanh của Trump Organization.
Chánh biện lý quận Manhattan, ông Alvin Bragg cho rằng ông Trump đã không báo cáo chính xác chi phí tiền trả cho diễn viên Daniels trong hồ sơ kinh doanh của mình, thay vào đó ghi chi phí này là khoản thanh toán cho các dịch vụ pháp lý.
Khi trình diện tại tòa ngày 4-4, ông Trump đã bác bỏ toàn bộ các tội danh. Sau đó, ông Trump được tại ngoại và bay về Florida, có bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi bị truy tố 34 tội danh. Cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi không bao giờ nghĩ bất cứ điều gì như thế này có thể xảy ra ở nước Mỹ. Không bao giờ nghĩ nó có thể xảy ra. Tội duy nhất mà tôi đã phạm phải là kiên cường bảo vệ quốc gia khỏi những kẻ tìm cách phá hủy nó... Đó là một sự xúc phạm đối với đất nước của chúng ta”. Theo ông Trump, vụ truy tố ông là nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và vụ kiện này phải bị bác bỏ ngay lập tức.
Sau lần trình diện trước tòa ngày 4-4, phiên tòa tiếp theo của ông Trump dự kiến diễn ra vào ngày 4-12. Vào ngày này, thẩm phán có thể đưa ra phán quyết về các kiến nghị pháp lý trong vụ kiện. Ví dụ, các luật sư của ông Trump gần như chắc chắn sẽ nộp đơn yêu cầu bác bỏ vụ kiện. Không rõ liệu ông Trump có phải tham dự phiên tòa tiếp theo hay không.
Theo đài RT, vụ truy tố ông Trump đánh dấu một kỷ nguyên mới trong nền chính trị Mỹ. Đó không chỉ là bản cáo trạng đầu tiên đối với một cựu tổng thống, mà còn là vụ truy tố hình sự ứng cử viên hàng đầu của đảng đối lập (vào thời điểm hiện tại) trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Phản ứng với vụ truy tố
Vụ truy tố hình sự ông Trump gây ra những phản ứng khác nhau trong giới chính trị Mỹ liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông.
Khi có thông tin về vụ truy tố, ông Trump đã nói rõ trong một tuyên bố rằng ông sẽ đưa vấn đề truy tố vào chiến dịch tranh cử của mình, gọi đó là nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm ngăn cản ông trong cuộc đua tranh cử tổng thống sắp tới. Ông phát biểu: “Tôi tin rằng cuộc ‘săn phù thủy’ này sẽ phản tác dụng mạnh mẽ đối với ông Joe Biden. Người dân Mỹ đang nhận ra chính xác những gì đảng Dân chủ cấp tiến đang làm ở đây”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa cũng cho rằng vụ truy tố cựu Tổng thống Trump là nỗ lực nhằm làm tổn hại đến cơ hội của ông Trump trong cuộc đua tổng thống năm 2024.
Thống đốc Florida, ông Ron DeSantis, người được coi là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của ông Trump cho đề cử của đảng Cộng hòa, chỉ trích rằng quyết định truy tố là hành vi vũ khí hóa hệ thống pháp luật để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio phát biểu ngày 4-4: “Hôm nay là một ngày tồi tệ đối với tất cả chúng ta, và tất cả chúng ta sẽ hối tiếc về điều đó trong một thời gian rất dài. Ngày nay, chính trị Mỹ đã vượt qua ranh giới mà sẽ không bao giờ quay trở lại”. Ông cảnh báo rằng bản cáo trạng nhằm vào ông Trump hôm nay sẽ khuyến khích các công tố viên trên khắp nước Mỹ truy lùng các chính trị gia đối thủ để trở nên nổi tiếng.
Trong khi đó, cựu Thống đốc bang Arkansas, ông Asa Hutchinson lại có cách tiếp cận khác. Ông Hutchinson đã kêu gọi ông Trump từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 và xử lý các rắc rối pháp lý.
Về phần mình, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nhận định: “Đại bồi thẩm đoàn đã hành động dựa trên sự thật và luật pháp, không ai đứng trên luật pháp".
Tuy nhiên, khi được hỏi về ảnh hưởng mà vụ truy tố hình sự ông Trump sẽ gây ra đối với toàn nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có câu trả lời dứt khoát: miễn bình luận. “Tôi sẽ không nói về bản cáo trạng của ông Trump”, Tổng thống Biden giải thích thêm sau nhiều lần bị các phóng viên hỏi trong ngày 31-3.
Tác động tới nỗ lực tranh cử năm 2024
Bất chấp vụ truy tố và các rắc rối pháp lý khác, ông Trump sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024. Mùa bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa bắt đầu chỉ hai tháng sau phiên tòa tiếp theo của ông.
Mặc dù luật không cấm ông Trump trở thành ứng cử viên tổng thống, ngay cả khi ông phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng có thể làm gián đoạn chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy rằng vụ truy tố hiện nay sẽ tăng cường sự ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa đối với ông, ít nhất là tạm thời. Thậm chí, tỷ phú Elon Musk từng dự đoán vào tháng trước rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2024 nếu bị truy tố.
Sự ủng hộ của cử tri gia tăng đã thể hiện qua kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 3-4. Theo đó, khoảng 48% số người ủng hộ đảng Cộng hòa muốn ông Trump đại diện đảng này tranh cử tổng thống. Tỷ lệ này tăng so với mức 44% trong cuộc thăm dò từ ngày 14 đến 20-3. Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện từ ngày 31-3 đến 3-4, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông Trump bị truy tố hơn 30 tội danh.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ biến vụ truy tố thành lợi thế cho chiến dịch tranh cử năm 2024. Theo Giáo sư Anna G. Cominsky tại Trường Luật New York, vụ truy tố không thể ngăn ông Trump tham gia vận động tranh cử năm 2024 và ngay cả nguy cơ bị kết án cũng không khiến cựu Tổng thống bị loại khỏi cuộc đua.
Nhiều nhà phân tích chính trị đánh giá rằng người ủng hộ cựu Tổng thống Trump sẽ coi diễn biến này bắt nguồn từ động cơ chính trị và có thể càng khiến họ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2024.
Có thể nói vụ truy tố ông Trump dù không thể ngăn cản ông tranh cử tổng thống nhưng đã đẩy nước Mỹ vào một thời kỳ chưa từng có tiền lệ.
Theo Báo Tin tức